Theo ước tính của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam tăng 18,6%, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra là 5%. Kết quả này nhìn qua thì thấy ngoạn mục nhưng gợi lên vấn đề về công tác dự báo vì chênh lệch là rất lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không có phục hồi bất ngờ trong năm 2021 và xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào GDP thế giới.
Với những nhận định của các định chế tài chính lớn, các tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế thế giới 2022 vừa được công bố trong tháng này thì kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu năm 2022 sẽ như thế nào?
Điện thoại và linh kiện là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam trong năm 2021. Ảnh: T.L
Các thị trường và nhóm hàng chủ lực
Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 của Việt Nam ước đạt 335,23 tỉ đô la Mỹ, vượt chỉ tiêu 13,6%. Các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam cũng không có nhiều thay đổi. Đứng đầu vẫn là Mỹ với khoảng 91,5 tỉ đô la, tiếp đến là Trung Quốc khoảng 55,5 tỉ đô la, EU 38,2 tỉ đô la, ASEAN 27,5 tỉ đô la, và Nhật Bản, Hàn Quốc với mỗi thị trường khoảng 20 tỉ đô la.
Xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường thế giới, và những mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu chính hoàn toàn có thể sản xuất ở một quốc gia khác trong khu vực. Do vậy kim ngạch xuất khẩu năm 2022 cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Một số thị trường như Ấn Độ, Úc, Anh, Canada và Mexico cũng có tốc độ tăng đáng kể nhưng so về con số tuyệt đối thì vẫn còn khoảng cách khá xa với nhóm các nước dẫn đầu. Tuy vậy, nếu các thị trường này tiếp tục tăng đều đặn hai con số mỗi năm thì sau một vài năm nữa, chiếc bánh xuất khẩu của Việt Nam sẽ được định hình lại rất nhiều.
Cũng quan trọng không kém khi nhìn nhận về thị trường xuất khẩu là các nhóm hàng xuất khẩu chính. Theo số liệu trượt 12 tháng (TTM) mới nhất, nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất là điện thoại và các linh kiện với giá trị là 55,57 tỉ đô la, tiếp đến là máy vi tính và linh kiện với giá trị là 48,98 tỉ đô la, và máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác là 35,91 tỉ đô la. Nhóm hàng được cho là có phần giá trị nội địa nhiều nhất là hải sản có giá trị xuất khẩu 8,5 tỉ đô la.
Có thể thấy rất rõ tốp 5 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam là phụ thuộc vào thị trường thế giới chứ không phải sức cạnh tranh nội tại của Việt Nam. Không những vậy, đây là những mặt hàng có giá trị đầu vào phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên vật liệu, phụ kiện, máy móc phụ tùng nhập khẩu. Vì vậy mà giá trị xuất khẩu của Việt Nam cao thì giá trị nhập khẩu cũng cao, thặng dư xuất khẩu chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị xuất khẩu.
Nhu cầu của thế giới
Xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường thế giới, và những mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu chính hoàn toàn có thể sản xuất ở một quốc gia khác trong khu vực. Do vậy kim ngạch xuất khẩu năm 2022 cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Theo dự báo của một số tổ chức uy tín, GDP thế giới năm 2022 sẽ chậm lại so với năm 2021, ở mức 4,5% so với 5,6-5,9%. Các nền kinh tế lớn có ảnh hưởng quan trọng đến Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và EU cũng chậm lại, đặc biệt là Trung Quốc.
Tăng trưởng của Mỹ sẽ xuống còn 3,7-3,9% trong năm 2022 trong khi Trung Quốc có tốc độ giảm nhanh nhất trong số ba nền kinh tế lớn, từ 7,8-8,1% năm 2021 xuống còn 4,8-5,1%. Cho nên năm 2022, thị trường Trung Quốc nhiều khả năng sẽ là thị trường có giá trị xuất khẩu tăng chậm nhất.
Kỳ vọng xuất khẩu 2022
Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu có chậm lại trong năm 2022 nhưng vẫn là tăng trưởng tích cực. Thị trường Mỹ vẫn là chủ lực của xuất khẩu Việt Nam, và hy vọng rằng EU sẽ có những bước đột phá với hiệp định thương mại tự do (FTA) dần đi vào thực tiễn.
Với thị trường Trung Quốc, rất có thể nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam ở các nhóm hàng có giá trị cao là trung gian chứ không phải tiêu dùng ở thị trường Trung Quốc. Việc sử dụng nhà máy vệ tinh ở Việt Nam cũng là cách mà các tập đoàn sản xuất lớn phân tán rủi ro, hoặc có thể tối ưu chi phí. Nếu Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, các mắt xích này sẽ là nguồn FDI lớn của Việt Nam
Với các thị trường nhỏ hơn, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng là cần thiết để đa dạng hóa thị trường, tránh việc tập trung vào một số ít thị trường, không phân tán rủi ro. Các thị trường tiềm năng sẽ là ASEAN, Ấn Độ, Nam Mỹ, Mỹ Latinh.
Xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào GDP của thế giới, đã có một nghiên cứu ước tính nếu GDP thế giới tăng 1% thì xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, do xuất khẩu của Việt Nam chỉ tập trung ở một số thị trường nên hệ số này có thể lệch đi một ít. Do vậy nếu GDP các nền kinh tế lớn tăng trưởng trung bình 4% trong năm sau thì xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể dễ dàng đạt được khoảng 16-20%.
Võ Đình Trí
Nguồn: https://thesaigontimes.vn
Mối lo nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi, khó tiếp cận tín...
Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng thế giới...
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, đón nhận dòng...
VPPA-BẢN TIN THÁNG là thông tin tổng hợp hàng tháng về thị...
Ngày 10/12/2024 tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, Quận 1, TPHCM, Chi...
TS Võ Trí Thành vừa có những chia sẻ về câu chuyện doanh...
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) 2024 sẽ...
Mặc dù đã hoàn tất thanh tra, kiểm tra hoàn thuế Giá trị gia...
Nhu cầu tiêu dùng nội địa, một trong những động lực quan...
Nhu cầu tiêu dùng nội địa, một trong những động lực quan...