Năm 2024, thị trường vàng thế giới và trong nước đã chứng kiến những diễn biến hiếm thấy trong lịch sử.
Trên thị trường thế giới, kim loại quý đã có 40 lần lập đỉnh kể từ đầu năm và có thời điểm tiến sát 2.800 USD/ounce vào cuối tháng 10. Đi cùng với diễn biến giá, tổng nhu cầu vàng toàn cầu trong quý 3 đã lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD – theo Hội đồng vàng thế giới.
Bất chấp đợt bán tháo ngắn và mạnh sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11, giá vàng thế giới vẫn tăng giá gần 27% kể từ đầu năm tính đến 25/12 và dự kiến kết thúc năm 2024 với hiệu suất tăng giá hàng năm tốt nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Theo giới phân tích, giá vàng thế giới tăng mạnh trong năm 2024 phản ánh nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương và nhu cầu trú ẩn an toàn của nhà đầu tư trước sự biến động của thị trường và rủi ro địa chính trị.
Là một tài sản trú ẩn an toàn, vàng đã được hưởng lợi từ những bất ổn địa chính trị trong suốt cả năm 2024 tại Đông Âu và Trung Đông. Bên cạnh đó, hoạt động mua vàng mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương - dẫn đầu là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan - đã thúc đẩy nhu cầu vàng hơn nữa. Sự gia tăng này một phần phản ánh các chiến lược quản lý dự trữ ngoại hối của một số ngân hàng trung ương và những lo ngại về rủi ro địa chính trị.
"Căng thẳng địa chính trị gia tăng, hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương và sự khởi đầu của chính sách nới lỏng tiền tệ của Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng trong năm 2024", Jeetendra Khadan - Chuyên gia kinh tế cấp cao của Nhóm triển vọng Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định.
Diễn biến giá vàng thế giới trong 25 năm qua (Nguồn: Trading Economics)
Chịu tác động từ diễn biến giá vàng quốc tế cộng hưởng với tâm lý kỳ vọng của người dân, giá kim loại quý trong nước cũng ghi nhận biến động rất mạnh trong năm 2024.
Những tháng đầu năm, giá vàng trong nước liên tục tăng nhanh và mạnh hơn nhiều so với thị trường thế giới. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới có lúc lên đến 18 triệu đồng/lượng.
Trước diễn biến trên, lần đầu tiên sau 11 năm, NHNN phải tổ chức bán đấu thầu vàng miếng, tăng cung cho thị trường kể từ cuối tháng 4. Song, giá vàng trong nước không giảm mà liên tục tăng, chênh lệch với quốc tế nới rộng lên gần 20 triệu đồng một lượng.
Đến tháng 5, có thời điểm vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng một lượng và vàng nhẫn trơn gần 90 triệu đồng/lượng, buộc nhà điều hành có biện pháp can thiệp mạnh tay hơn. Theo đó, NHNN đã dừng việc đấu thầu vàng miếng, chuyển sang phương thức bán vàng cho 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước và Công ty SJC để các đơn vị này bán lại cho người dân.
Sau động thái của NHNN, giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng SJC, đã giảm sâu trong tháng 5 và tháng 6, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế cũng được thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, trước áp lực từ thị trường quốc tế, giá vàng trong nước đã tăng mạnh trở lại trong quý 3 và nửa đầu quý 4. Dù vậy, điểm tích cực là chênh lệch giữa giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm về chỉ còn 3-5 triệu đồng/lượng và duy trì suốt từ tháng 10 đến nay.
Tính đến ngày 25/12/2024, giá vàng miếng và vàng nhẫn cùng được các nhà vàng chào bán tại mức giá khoảng 84,3 triệu đồng/lượng. Kể từ đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng 35% và giá vàng SJC tăng khoảng 15% - đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Mức tăng trên cũng đưa vàng trở thành tài sản "nóng" nhất tại Việt Nam trong năm 2024, bỏ xa tỷ suất sinh lời của các kênh đầu tư truyền thống khác như chứng khoán (Vn-Index tăng 13%), tiền gửi tiết kiệm (6%) và USD (4,5%).
Theo NHNN, giá vàng trong nước biến động tăng mạnh trong năm 2024 là do giá vàng thế giới liên tục tăng cao, cùng những khó khăn của các kênh đầu tư khác (bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp…) khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, qua theo dõi của các đơn vị trong hệ thống phản ánh nhu cầu mua vàng chủ yếu tập trung tại TP Hà Nội, TPHCM và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng. Bên cạnh các lý do nêu trên, NHNN cho rằng, không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh…
"Biến động giá vàng trong nước cơ bản phụ thuộc vào diễn biến của giá vàng thế giới và quan hệ cung - cầu trên thị trường", Thống đốc cho biết tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trong năm 2024, NHNN đã phối hợp thực hiện nhiều biện pháp quản lý và ổn định thị trường vàng trên cơ sở bám sát các quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Đầu tiên, NHNN đã sắp xếp lại một cách căn bản, đưa số lượng tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng xuống còn 16 doanh nghiệp và 22 tổ chức tín dụng.
Thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ cũng đã được tổ chức, sắp xếp lại, với số doanh nghiệp được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là 6.681 doanh nghiệp.
"Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ cần đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư, không phải xin phép NHNN. Từ năm 2012 đến nay, NHNN chưa cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, các doanh nghiệp tự cân đối nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ trong báo cáo gửi Quốc hội.
Cụ thể, từ 19/4/2024 đến 23/5/2024, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu 48.500 lượng (tương đương khoảng 1,82 tấn). Tuy nhiên, sau 9 phiên can thiệp theo phương thức đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá thế giới vẫn ở mức cao. Để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, NHNN chuyển sang phương thức bán vàng miếng với khối lượng phù hợp, lựa chọn 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC để triển khai. Đây là biện pháp can thiệp chưa từng có tiền lệ trong hoạt động điều hành và quản lý thị trường vàng của NHNN.
Cảnh người dân xếp hàng đăng ký mua vàng miếng trong năm 2024
Kết quả, từ ngày 3/6 đến 29/10/2024, NHNN đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 11,46 tấn vàng). Tổng cộng, NHNN đã bán ra thị trường gần 13,3 tấn vàng trong năm 2024. Con số này thấp hơn mức can thiệp trong năm 2013, khi NHNN đã phải bán ra gần 70 tấn vàng.
Bên cạnh các giải pháp thực hiện nêu trên, NHNN cũng tăng cường kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn các tỉnh, thành phố (Cục quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an...) kiểm tra các đơn vị có hoạt động kinh doanh vàng, từ đó chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng.
Với những giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới được kiểm soát và duy trì với biên độ phù hợp, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5-7%. Thị trường vàng ổn định trở lại, góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô.
"Thị trường vàng đã ổn định trở lại, góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô", NHNN đánh giá.
Dù chênh lệch giá vàng trong nước đã được thu hẹp đáng kể, tuy nhiên tình trạng khan hiếm vàng vẫn thường xuyên diễn ra sau khi NHNN thực hiện các biện pháp can thiệp.
Trong những ngày đầu NHNN triển khai bán vàng miếng bình ổn qua ngân hàng, đã xuất hiện cảnh tượng hàng dài người xếp hàng chờ mua vàng tại các điểm giao dịch ở Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, do số lượng bán hạn chế, nhiều người đã không mua được vàng từ NHNN và xuất hiện tình trạng thuê người xếp hàng mua gom vàng miếng nhằm đẩy giá.
Trước tình trạng đó, các ngân hàng đã tạm ngưng việc bán vàng qua hình thức lấy số chờ trực tiếp tại quầy và chuyển sang kênh online. Theo đó, người mua có thể đăng ký mua vàng qua website của ngân hàng hoặc quét mã QR. Tuy nhiên, nhiều khách hàng phản ánh hệ thống đăng ký mua online của các ngân hàng hết lượt đặt chỗ chỉ sau thời gian ngắn mở cửa do nhu cầu lớn.
Không chỉ vàng miếng, vàng nhẫn tròn trơn cũng liên tục ở tình trạng khan hiếm, hết hàng khi giá tăng mạnh và người dân khó có thể mua số lượng lớn. Điều này khiến 2024 là năm mà người mua vàng gặp nhiều khó khăn nhất trong hàng chục năm trở lại đây.
"NHNN đã thành công trong việc kéo giá vàng miếng từ đỉnh 92 triệu đồng/lượng hồi tháng 5 xuống còn mức 85 triệu đồng như hiện tại. Tuy nhiên, biện pháp can thiệp của NHNN chỉ thành công ở cái mặt giá, còn thực tế nguồn cung vẫn hạn chế, cung cầu không gặp nhau và không tạo được sự ổn định lâu dài cho thị trường", Chuyên gia kinh tế T.S Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Trong báo cáo triển vọng giá vàng 2025 công bố mới đây, Hội đồng vàng thế giới (WGC) nhận định kim loại quý vẫn có tiềm năng tăng giá, nếu nhu cầu của các ngân hàng trung ương mạnh hơn dự báo hoặc tình hình tài chính kém đi, kéo nhu cầu trú ẩn lên cao. Dù vậy, mức tăng năm 2025 có thể chậm hơn năm nay.
Theo WGC, hoạt động mua của khu vực ngân hàng trung ương có khả năng vẫn là động lực cốt lõi thúc đẩy giá vàng trong năm 2025. Dù cầu của khu vực này trong năm 2025 vẫn mạnh dù không bằng mức cao hơn 1.000 tấn của những năm trước đó. WGC dự báo, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ đạt hơn 500 tấn vào năm tới và sẽ tác động tích cực đến giá kim loại quí này.
"Nhìn chung, tình hình hiện tại thôi thúc nhà đầu tư trú ẩn, ví dụ như mua vàng, để đối phó rủi ro", Hội đồng vàng thế giới cho hay.
Dự báo của J.P. Morgan mới đây cũng cho thấy giá vàng có thể trung bình ở mức 2.950 USD/ounce trong năm 2025 và thậm chí vượt mốc 3.000 USD/ounce. Hai kịch bản chính có thể thúc đẩy sự tăng giá này gồm:
Gián đoạn kinh tế: Các chính sách như tăng thuế quan, căng thẳng thương mại leo thang, lạm phát mạnh mẽ và thâm hụt ngân sách lớn có thể củng cố vai trò trú ẩn an toàn của vàng. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương cũng có thể gia tăng lượng vàng dự trữ.
Giảm lãi suất và giá trị đồng USD: Nếu đồng USD và lãi suất nhanh chóng suy yếu từ mức cao sau bầu cử, giá vàng có thể tiếp tục tăng.
"Vàng vẫn có vẻ ổn để phòng ngừa mức độ bất ổn gia tăng xung quanh bối cảnh vĩ mô hướng đến giai đoạn đầu của chính quyền Trump vào năm 2025", Natasha Kaneva, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu của J.P. Morgan đánh giá.
Đối với thị trường trong nước, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng diễn biến giá vàng năm 2025 rất khó đoán khi giá vàng Việt Nam chịu tác động bởi giá vàng thế giới. Do vậy, nếu đầu tư mua vàng lúc này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế nhà đầu tư cần hết sức bình tĩnh, thận trọng, không nên mua bán nhiều tại thời điểm này.
"Giá vàng sẽ có nhiều biến động khó lường trong năm 2025. Vì thế các nhà đầu tư vàng nên thận trọng tính toán "thắt dây an toàn", không nên "đặt tất trứng vào một giỏ" vì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận hiện vẫn còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối; chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành VND để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, có một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng 99,99% được sử dụng có tính chất như vàng miếng (không ngoại trừ nguồn nguyên liệu để sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu). Hiện tượng này dễ bị lợi dụng làm giảm hiệu quả quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng của Nghị định 24.
Định hướng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình thực tiễn, góp phần ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
"Thị trường vàng còn diễn biến khó lường, phức tạp và Việt Nam không sản xuất vàng, nên việc can thiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng của quốc tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến này để đưa ra các chính sách ổn định thị trường vàng", bà Hồng nói tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo Quang Hưng (Nhịp Sống Thị Trường)
Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng thế giới...
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, đón nhận dòng...
VPPA-BẢN TIN THÁNG là thông tin tổng hợp hàng tháng về thị...
Ngày 10/12/2024 tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, Quận 1, TPHCM, Chi...
TS Võ Trí Thành vừa có những chia sẻ về câu chuyện doanh...
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) 2024 sẽ...
Mặc dù đã hoàn tất thanh tra, kiểm tra hoàn thuế Giá trị gia...
Nhu cầu tiêu dùng nội địa, một trong những động lực quan...
Nhu cầu tiêu dùng nội địa, một trong những động lực quan...
Lo ngại về những dự thảo quy định không thể thực hiện...