Tin Tổng Hợp


Theo tạp chí Tri thức thế giới, sự trỗi dậy của các nước thị trường mới nổi và đang phát triển được xem là xu hướng thay đổi quan trọng nhất trong cục diện thay đổi 100 năm hiếm có của thế giới.

Cảng hàng hóa ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Diễn biến này đã nhận được sự quan tâm rộng rãi trong những năm gần đây. Tuy nhiên, xu hướng này đã và đang bị cản trở nghiêm trọng do những áp lực kép.  
Tình hình chung hiện nay là lợi thế tăng trưởng đang dần mất đi, tiến trình trỗi dậy đang chậm lại đáng kể từ khi thế giới bước vào thế kỷ mới. Sự trỗi dậy nhanh chóng của một loạt thị trường mới nổi và đang phát triển chủ yếu được thể hiện ở tỷ trọng và địa vị của các nước này đã tăng vọt trong kinh tế toàn cầu. 
Nếu tính theo sức mua tương đương, các thị trường mới nổi và đang phát triển chiếm 43,3% tỷ trọng kinh tế toàn cầu trong năm 2000, trước khi tăng lên mức 50,1% vào năm 2007, lần đầu tiên vượt qua các nước phát triển. Đến năm 2020, tỷ lệ này tăng lên 57,6%. Tính theo tỷ giá hối đoái danh nghĩa, tỷ trọng này là 21% năm 2000 và nâng lên 40,5% vào năm 2020.
Nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy sự nhảy vọt này là các thị trường mới nổi và đang phát triển đã duy trì lợi thế tăng trưởng đáng kể so với mức trung bình của thế giới, đặc biệt là so với các nền kinh tế phát triển. 
Trong 20 năm này, quy mô kinh tế toàn cầu tính theo tỷ giá hối đoái danh nghĩa chỉ tăng 1,5 lần, trong đó quy mô kinh tế của các nước phát triển tăng 0,9 lần, các thị trường mới nổi và đang phát triển tăng 3,8 lần. Điều này đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi và đang phát triển lần lượt cao gấp 2,5 và 4,2 lần so với tốc độ bình quân thế giới và các nước phát triển trong giai đoạn 20 năm này.
Tuy nhiên, xét từ xu hướng thay đổi trong 20 năm, lợi thế tăng trưởng của các thị trường mới nổi và đang phát triển so với bình quân toàn cầu và các nước phát triển lại đang thể hiện xu hướng thu hẹp đáng kể, và dường như hoàn toàn mất đi trong những năm gần đây.

Chẳng hạn, trong 10 năm từ 2003-2013, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của các nước có thị trường mới nổi và đang phát triển luôn cao hơn các nước phát triển 4 điểm phần trăm, nhiều nhất là 6,1 điểm phần trăm và trung bình là 4,9 điểm phần trăm. 
Tuy nhiên, sau đó lợi thế tăng trưởng này bắt đầu thu hẹp dần, năm 2013 rớt xuống dưới ngưỡng 4 điểm phần trăm còn 3,6 điểm phần trăm, năm 2014 mất mốc 3 điểm phần trăm còn 2,7 điểm phần trăm, năm 2021 tiếp tục xuyên thủng ngưỡng 2 điểm phần trăm còn 1,6%, năm 2022 dự kiến giảm xuống dưới mức 1 điểm phần trăm còn 0,5 điểm phần trăm. 
Hệ quả trực tiếp là tốc độ gia tăng tỷ trọng của các thị trường mới nổi và đang phát triển trong nền kinh tế toàn cầu dần chậm lại, khiến tiến trình trỗi dậy chậm lại đáng kể. Nếu tính theo tỷ giá hối đoái danh nghĩa, giai đoạn 2005-2010 tỷ trọng này tăng 10,7 điểm phần trăm từ 23,9% lên 34,6%; giai đoạn 2010-2015, mức tăng giảm xuống còn 4,9 điểm phần trăm, từ 34,6% tăng lên 39,5%; giai đoạn 2015-2020 tiếp tục giảm xuống chỉ còn 1 điểm phần trăm, từ 39,5% tăng nhẹ lên 40,5%, thể hiện rõ xu thế đình trệ. 
Nguyên nhân dẫn tới diễn biến này là do quá trình quản trị thâm hụt khó xử lý, với áp lực chuyển đổi khó giải quyết hơn. Sự trỗi dậy nhanh chóng của các thị trường mới nổi và đang phát triển trước hết được hưởng lợi từ việc tích cực sử dụng vốn, công nghệ và thị trường nước ngoài, đặc biệt là của các nước phát triển từ quá trình toàn cầu hóa, kết hợp hiệu quả cao với lợi thế nguồn nhân lực trong nước, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, cung cấp cơ hội mang tính toàn cầu chưa từng có. 
Tuy nhiên những năm gần đây, toàn cầu hóa kinh tế ngày càng gặp phải khó khăn nghiêm trọng về quản trị thâm hụt, dẫn đến làn sóng chống toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng thương mại quốc tế chậm lại, đầu tư quốc tế biến động, đặc biệt các nước phát triển do Mỹ dẫn đầu ngày càng có khuynh hướng đưa sản xuất quay trở lại trong nước, rút vốn, bảo hộ công nghệ và thương mại, điều này khiến môi trường bên ngoài xấu đi đối với sự trỗi dậy của các nước thị trường mới nổi. 
Hiện có quan điểm rằng thế giới hiện nay đang đối diện với nguy cơ “chia rẽ toàn cầu”. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu đang đối diện với áp lực lớn từ quá trình chuyển đổi xanh và động lực mạnh mẽ của chuyển đổi số. Đối với phần lớn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trước sức ép trầm trọng của việc phải chuyển đổi, lợi thế của việc phát triển sau đang dần mất đi, trong khi nhược điểm lại bộc lộ rõ nét, ngày càng trở thành chướng ngại lớn để các nước tiếp tục duy trì ưu thế tăng trưởng. 

Lạm phát tại Mỹ ngày càng tăng cao. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, sự khác biệt trong cách phòng chống dịch bệnh đã cản trở sự phục hồi. Đến nay, “thảm họa dịch bệnh thế kỷ” vẫn đang hoành hành khắp thế giới và giáng một đòn nặng nề vào xu hướng trỗi dậy của các nước mới nổi và đang phát triển. 
Đặc biệt khoảng cách về phòng chống dịch bệnh giữa nhóm các nước đang phát triển tương đối lạc hậu, nghèo khó với các nước phát triển đang trở thành rào cản chính đối với quá trình phục hồi kinh tế. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lợi thế tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi và đang phát triển so với các nước phát triển trong năm 2022 sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong thế kỷ này, chỉ còn 0,5 điểm phần trăm. 
Vấn đề nghiêm trọng hơn là đối diện với sức ép lạm phát ngày càng nghiêm trọng, Mỹ và các nước châu Âu phải điều chỉnh mạnh chính sách kinh tế, liên tục tăng lãi suất và thu hẹp quy mô thu mua tài sản đã trở thành xu hướng chủ đạo. Chẳng hạn, sau khi tăng lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm) trong tháng Ba, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) trong tháng Tư, ghi nhận biên độ tăng lớn nhất trong thế kỷ này. 
Việc phương Tây điều chỉnh gấp chính sách kinh tế vĩ mô chắc chắn sẽ đẩy nhanh làn sóng tháo chạy dòng vốn quốc tế, làm gia tăng tốc độ mất giá của các đồng nội tệ, làm trầm trọng áp lực lạm phát nhập khẩu và gánh nặng nợ, gây ra cú sốc mạnh đối với các các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển, làm tổn hại nghiêm trọng xu thế trỗi dậy của các nước này.
Hiện nay, sức ép lạm phát của một số nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển nghiêm trọng hơn so với các nước phương Tây. Chẳng hạn, giá tiêu dùng tháng 3/2022 của Nga và Brazil lần lượt tăng 16,7% và 11,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức 8,5% và 7,5% của Mỹ và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone)./.

Thạch Bình (P/v TTXVN tại Hong Kong)

Nguồn: https://bnews.vn

Bài viết liên quan

Đối thoại chính sách: Kinh tế xanh và trách nhiệm của doanh nghiệp

Phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo...

Tỷ giá biến động 1%, doanh nghiệp mất thêm hàng trăm tỷ đồng

Theo chia sẻ của Chủ tịch Vietnam Airlines, nếu tỷ giá biến...

Loạt “đại bàng” Mỹ tới Việt Nam

Thông tin từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), từ ngày...

Danh mục sản phẩm

Bài viết gần đây

Thị trường bao bì Việt Nam trị giá hơn 4 tỷ USD...

VPPA-Các nhà cung cấp sản phẩm tương tự của Thái Lan làm bao...

Đối thoại chính sách: Kinh tế xanh và trách nhiệm của...

Phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo...

Mondelez Kinh Đô tiên phong phát triển bao bì bền...

Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam ký Thỏa thuận Hợp tác Chiến...

Mondelez Kinh Đô ký kết hợp tác chiến lược về phát...

PNO - Vừa qua, Mondelez Kinh Đô đã ký kết hợp tác chiến lược...

Mondelez Kinh Đô tích cực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn...

Vừa qua, Công ty Mondelez Kinh Đô, Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến và...

Bốn kiến nghị của VPPA để “xanh hóa” ngành Giấy

Tại Hội thảo Kỹ thuật ngành Công nghiệp Giấy do Hiệp hội...

Buổi gặp gỡ giữa Lãnh đạo Công Ty TNHH Giấy Đồng...

Truyền cảm hứng Đam mê và Đổi mới trong ngành công nghiệp...

Tỷ giá biến động 1%, doanh nghiệp mất thêm hàng trăm...

Theo chia sẻ của Chủ tịch Vietnam Airlines, nếu tỷ giá biến...

Loạt “đại bàng” Mỹ tới Việt Nam

Thông tin từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), từ ngày...