Tin Tổng Hợp


Tháng 1/2023, cán cân thương mại đạt thặng dư lên tới 3,6 tỷ USD. Tín hiệu vui nhưng khi phân tích con số này cũng cho thấy, nhiều dấu hiệu cảnh báo đáng lưu ý cho cả cơ quan điều hành, cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Trong nhiều hội nghị tổng kết ngành cuối năm 2022, một trong những khó khăn được các doanh nghiệp đưa ra là thị trường thu hẹp, khó khăn tìm kiếm đơn hàng mới trong năm 2023. Thực tế khó khăn này đã được phản ánh trong số liệu thống kê về kim ngạch xuất nhập khẩu ngay trong tháng 1/2023. 

Sau tín hiệu vui là dấu hiệu không thể xem thường

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Về xuất khẩu, trong tháng 1/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 1/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước.

-5644-1675326071.jpg

Xuất siêu đạt con số cao vì kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh, báo hiệu doanh nghiệp thu hẹp sản xuất. 

Lý giải về câu chuyện này, Tổng cục Thống kê cho rằng, nguyên nhân là do tháng 1/2023 – trùng vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán có thời gian nghỉ kéo dài, nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra việc xuất nhập khẩu giảm còn xuất phát từ việc kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm dẫn tới các đơn hàng giảm.

“Tuy cả xuất nhập khẩu đều giảm, nhưng nhập khẩu giảm mạnh hơn nên cán cân thương mại đã thặng dư trong tháng đầu năm, ước tính lên tới 3,6 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.”, Tổng cục Thống kê cho biết.

Bình luận về con số thặng dư trên, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đánh giá thặng dư thương mại cao là tín hiệu vui nhưng ở thời điểm đầu năm thì đây là dấu hiệu không thể xem thường. Nguyên nhân của thặng dư thương mại là do nhập khẩu giảm mạnh, nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp xuống thấp, phản ánh thị trường đầu ra đang gặp khó khăn.

Cập nhật thông tin về thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá nhiều đơn hàng xuất khẩu trong thời điểm đầu năm đều là các đơn hàng mà doanh nghiệp đã ký ở thời điểm năm 2022, cũng như các nước trong châu Á như Trung Quốc mở cửa muộn hơn nên năng lực cung ứng ra thị trường chưa nhanh. Điều này đã giúp cho xuất khẩu tận dụng lợi thế nhưng cũng là thách thức trong những tháng tiếp theo khi thị trường thế giới giảm cầu, Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại…

Theo đó, lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định hoạt động thương mại năm 2023 sẽ gặp phải thách thức gấp nhiều lần. Thị trường tiếp tục có những dị biệt, cạnh tranh thương mại, đầu tư bị ảnh hưởng và thu hẹp, năng lực sản xuất chịu tác động tiêu cực. 

Khó tìm đơn hàng mới 

Lấy ví dụ với ngành gỗ và lâm sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2022 ngành này xuất siêu 14,1 tỷ USD, cao hơn nhiều thặng dư thương mại cả ngành nông nghiệp là 8,5 tỷ USD và cao hơn mức xuất siêu cả nước là 11,2 tỷ USD.

“Con số này cho thấy ngành lâm sản không chỉ mang lại ngoại tệ về cho đất nước, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung, mà còn thúc đẩy sản xuất, chế biến gỗ trong nước”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói.

Tuy nhiên ngay từ quý IV/2022, đơn hàng sản phẩm gỗ đã trên đà đi xuống, nhiều doanh nghiệp chưa ký, thương thảo được đơn hàng cho năm 2023. Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp bám sát vào tình hình thực tế để đưa ra các dự báo, kế hoạch ngành năm 2023.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, bước sang năm 2023, ngành gỗ sẽ phải đối mặt với cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, hiện đã xuất hiện một số tờ báo ở Mỹ đăng tin sản phẩm gỗ của Việt Nam sử dụng nguyên liệu của Nga nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện, Chính phủ nước bạn chưa lên tiếng về vấn đề này, song các doanh nghiệp cần quan tâm và rà soát.

Hay với sản phẩm nông sản hữu cơ, ông Phạm Minh Đức, đại diện Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam thông tin, nhu cầu về sản phẩm hữu cơ ở thị trường toàn cầu bắt đầu giảm so với thời kỳ trước. Điều này đòi hỏi các sản phẩm nông sản hữu cơ cần phải chú trọng hơn tới việc chế biến sâu, xây dựng thương hiệu. Thực tế là sản phẩm nông sản hữu cơ vẫn xuất ở nguyên liệu thô, chưa tiếp cận được người tiêu dùng cuối cùng.

Đồng thời, đại diện Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý hỗ trợ để xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại, xây dựng tiêu chuẩn hữu cơ được Mỹ và EU chấp nhận; đồng thời kết nối với các nhà bán lẻ lớn để phân phối hàng trực tiếp.

Để vượt qua được khó khăn, tận dụng thời cơ, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc bộ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tổ chức nghiên cứu chiến lược, chương trình hành động phù hợp, giữ vững thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới.

Bộ trưởng Diên yêu cầu, các Thương vụ tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Việt Nam và các châu lục, quốc gia, doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp trong nước điều chỉnh, xác định đúng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp nhu cầu của thị trường; chú ý kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực cung ứng vật tư nguyên nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm có sẵn và phát triển sản phẩm mới theo nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng.

“Bằng mọi cách duy trì phát triển các thị trường truyền thống, mặt hàng truyền thống. Đồng thời nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới, mặt hàng mới (như các thị trường Tây Á, Nam Á, Châu Phi, Mỹ La tinh) để hàng Việt Nam vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng thế giới”, ông nhấn mạnh.

-7411-1675326071.jpg

Ông Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Bộ Công Thương 

Một trong những ngành sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới là dệt may, da giày... Hiện, các doanh nghiệp trong ngành này khó tìm kiếm đơn hàng trong 3-6 tháng tới. Vì vậy, các cơ quan chức năng trong Bộ Công Thương cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Trong đó, không chỉ đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu mà còn phải xúc tiến nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ và chi phí cho doanh nghiệp khi mua những thiết bị hiện đại, với giá cả phải chăng.

-4887-1675326071.jpg

TS. Nguyễn Thị Thu Trang

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI)

Năm 2023 được dự báo là năm thách thức với kinh tế toàn cầu, nhưng không phải vậy mà xuất khẩu Việt Nam sẽ chùn bước. Càng trong hoàn cảnh khó khăn, doanh nghiệp Việt càng phải tận dụng tốt các ưu đãi từ các FTA, thứ mà không nhiều đối thủ cạnh tranh có được. Đồng thời, doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thị trường, linh hoạt chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với tình hình (đơn nhỏ, giao nhanh), khai thác thị trường 100 triệu dân nội địa… là cách mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện lúc này.

-1355-1675326071.jpg

Ông Lê Tiến Trường

Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)

Thị trường co hẹp, chi phí lên cao thì vấn đề đặt ra là tốc độ thực hiện các giải pháp chiến lược sẽ được thực hiện thế nào. Trong bối cảnh này, chúng tôi đề nghị các đơn vị thành viên kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới; thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội và quản trị công ty; kiên trì thực hiện liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định.

Nhật Linh

Nguồn: https://vnbusiness.vn

 

 

Bài viết liên quan

Đối thoại chính sách: Kinh tế xanh và trách nhiệm của doanh nghiệp

Phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo...

Tỷ giá biến động 1%, doanh nghiệp mất thêm hàng trăm tỷ đồng

Theo chia sẻ của Chủ tịch Vietnam Airlines, nếu tỷ giá biến...

Loạt “đại bàng” Mỹ tới Việt Nam

Thông tin từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), từ ngày...

Danh mục sản phẩm

Bài viết gần đây

Thị trường bao bì Việt Nam trị giá hơn 4 tỷ USD...

VPPA-Các nhà cung cấp sản phẩm tương tự của Thái Lan làm bao...

Đối thoại chính sách: Kinh tế xanh và trách nhiệm của...

Phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo...

Mondelez Kinh Đô tiên phong phát triển bao bì bền...

Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam ký Thỏa thuận Hợp tác Chiến...

Mondelez Kinh Đô ký kết hợp tác chiến lược về phát...

PNO - Vừa qua, Mondelez Kinh Đô đã ký kết hợp tác chiến lược...

Mondelez Kinh Đô tích cực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn...

Vừa qua, Công ty Mondelez Kinh Đô, Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến và...

Bốn kiến nghị của VPPA để “xanh hóa” ngành Giấy

Tại Hội thảo Kỹ thuật ngành Công nghiệp Giấy do Hiệp hội...

Buổi gặp gỡ giữa Lãnh đạo Công Ty TNHH Giấy Đồng...

Truyền cảm hứng Đam mê và Đổi mới trong ngành công nghiệp...

Tỷ giá biến động 1%, doanh nghiệp mất thêm hàng trăm...

Theo chia sẻ của Chủ tịch Vietnam Airlines, nếu tỷ giá biến...

Loạt “đại bàng” Mỹ tới Việt Nam

Thông tin từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), từ ngày...