Ngày 27/8/2024, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đã phát hành văn bản góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến dự thảo các quy định về đồng xử lý chất thải, mức ký quỹ phế liệu nhập khẩu,…
Tại khoản 21 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định đồng xử lý chất thải là việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải, trong đó chất thải được sử dụng làm nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu thay thế hoặc được xử lý.
Liên quan đến quy định này, VPPA cho biết, trường hợp các nhà máy giấy sử dụng lò hơi tầng sôi để xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được coi là hình thức đồng xử lý chất thải. Trong thực tế, giải pháp đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp trong lò hơi tầng sôi tại nhà máy giấy đã có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn tại nhiều nước như Bỉ, Thụy Điển, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Trung Quốc,… Tại Việt Nam, giải pháp này cho thấy việc sử dụng lò hơi tầng sôi để xử lý các phế phẩm và bùn thải từ nhà máy giấy đều đạt hiệu suất thu hồi năng lượng cao và đáp ứng được các quy định môi trường khắt khe.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc đồng xử lý chất thải vẫn còn nhiều vướng mắc, do thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết, dẫn đến không thống nhất giữa các địa phương. Trong thực tế, nguồn thải công nghiệp thông thường là nguồn nhiên liệu có thể tận dụng để tái chế, tái sử dụng và chuyển hóa thành năng lượng, đưa trở lại phục vụ sản xuất, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội. Từ vướng mắc này, VPPA kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cần sớm có các hướng dẫn đánh giá hợp quy, hợp chuẩn và cho phép đồng xử lý chất thải rắn bằng công nghệ lò hơi tầng sôi tại các nhà máy giấy đủ điều kiện được đưa vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, VPPA đề nghị Bộ TNMT giữ nguyên quy định hiện hành tại Mục 3, Phụ lục II, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Sản xuất bột giấy, sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế hoặc từ sinh khối. Từ 50.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; Từ 5.000 đến dưới 50.000 tấn sản phẩm/năm; Dưới 5.000 tấn sản phẩm/năm; nhằm tăng cường phân cấp phân quyền về địa phương. Bởi nếu theo quy định tại Phân loại theo Phụ lục II của Dự thảo Nghị định sửa đổi, các doanh nghiệp sản xuất giấy không hoặc ít gây ô nhiễm môi trường cũng được xếp vào danh mục nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mức I, phải thực hiện theo quy định tại các điều khoản có liên quan trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP: Điều 25, Điều 26, Điều 28, Điều 31 Chương III; Điều 35, Điều 53 Chương IV; Điều 130 Chương X; Điều 162 Chương XII; theo VPPA điều này để tránh một việc qua nhiều cấp, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí của cơ quan quản lý và doanh nghiệp…
Bởi thực tế ngành công nghiệp giấy bao gồm nhiều loại hình sản xuất và gia công giấy với nguy cơ ô nhiễm môi trường ở các mức độ rất khác nhau, theo tính chất nguyên liệu đầu vào. Trong đó: Loại hình sản xuất giấy có nguyên liệu từ bột giấy nguyên sinh thương phẩm (làm ra giấy vệ sinh, giấy in, viết, copy…) có hàm lượng và thành phần các chất ô nhiễm phát sinh đã được xử lý triệt để trong khâu sản xuất nguyên liệu đầu vào, rất ít ảnh hưởng đến môi trường; Loại hình gia công giấy (cắt xén, đóng vở, sổ, ram giấy…) sử dụng nguyên liệu đầu vào là giấy thương phẩm hoàn toàn không xả thải, không ảnh hưởng đến môi trường; Loại hình sản xuất bột giấy, sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế có ảnh hưởng tới môi trường.
Thực tế ngay từ giai đoạn đầu tư, mở rộng sản xuất – kinh doanh, các doanh nghiệp đều phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp không nằm trong danh mục loại hình sản xuất – kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không cần phải làm ĐTM hoặc được phê duyệt thẩm định ĐTM tại địa phương…
Theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ 15-20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu tùy theo khối lượng. VPPA cho biết, thực hiện quy định này, hàng năm, tổng số tiền ký quỹ rất lớn, khoảng gần 3.000 tỷ đồng, gây khó khăn và lãng phí lớn nguồn lực cho doanh nghiệp, đặc biệt là giảm khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành của các nước như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu, châu Mỹ… Theo đó, VPPA đề xuất doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu không bị vi phạm sẽ được áp dụng mức ký quỹ là 5%. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu để xảy ra vi phạm thì bị tạm dừng hoặc thu hồi giấy phép nhập khẩu.
VPPA cũng kiến nghị cho phép linh hoạt về thời gian và khối lượng nhập khẩu giấy phế liệu từng năm (cho phép doanh nghiệp có thể chủ động nhập và bù trừ +- 20% giữa các năm trong giới hạn khối lượng được phép nhập khẩu của 5 năm hoặc 7 năm) thay vì cố định như Quy định tại nội dung giấy phép môi trường tại Nghị định 08-NĐCP/2022 và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT là khối lượng giấy phế liệu được nhập trong 1 năm được chia trung bình cho số năm của Giấy phép (5 năm hoặc 7 năm), giới hạn khối lượng được nhập trong từng năm.
Tuy nhiên, thực tế, có những thời điểm nguyên liệu ở mức giá thấp các doanh nghiệp phải tranh thủ nhập vào, hoặc có những thời điểm thị trường khan hiếm hàng hóa bất thường, các doanh nghiệp phải linh hoạt và tận dụng thời cơ để thu mua, nhằm đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu và hiệu quả cho hoạt động sản xuất.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra Ngành giấy là một trong những ngành kinh tế tuần hoàn (KTTH) điển hình vì các nguyên liệu, phụ liệu, phụ phẩm, phế phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đã qua sử dụng đều được tận dụng tối đa và có thể tái chế, tái sử dụng được nhiều lần. Thúc đẩy hiệu quả KTTH trong ngành Giấy, tránh lãng phí nguồn lực, cần có cơ chế chính sách phù hợp cho việc thu gom phân loại và xem các sản phẩm sau thu gom phân loại như là OCC (Old Corrugated Container – Hòm hộp các tông cũ), SOP (Sorted Office Paper – Giấy văn phòng đã qua sử dụng)… như một loại nguyên liệu thứ cấp cho sản xuất được lưu thông thương mại và xuất nhập khẩu bình thường. Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư cho việc thu gom phân loại như ưu đãi về thuế phí cho doanh nghiệp và cá nhân thực hiện công việc này.
Trước đó, ngày 6/9/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì hội nghị góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/NĐ-CP/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo Nghị định). Cụ thể, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 50/169 điều, 14/34 phụ lục, bổ sung 2 phụ lục, thay thế 2 phụ lục. Theo Dự thảo, dự kiến có khoảng 55,96% hồ sơ sẽ được phân cấp cho UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; có khoảng 11,05% đối tượng được cắt giảm TTHC về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tại hội nghị, nhiều địa phương và doanh nghiệp như Hưng Yên, Hà Nam, TP. Đà Nẵng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… đã kiến nghị mở rộng cơ chế cấp giấy phép môi trường chung cho nhiều công trình trong cùng một dự án, hoặc nhiều dự án trên một địa bàn; quy mô, loại dự án đầu tư công cần lấy tham vấn về môi trường tại địa phương; hướng dẫn trình tự, thủ tục đấu thầu thu gom, xử lý chất thải;…
Theo Bộ TN&MT, Dự thảo Nghị định rà soát, cập nhật, sửa đổi danh mục quy hoạch phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC); làm rõ hơn về yếu tố nhạy cảm về môi trường; cụ thể hóa một số quy định trong đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường để đảm bảo rõ ràng, minh bạch; sửa đổi một số quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (EPR); về quản lý chất thải, nguồn chi sự nghiệp bảo vệ môi trường; quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra; quy chế quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn…
Ngành Giấy hiện có hơn 500 doanh nghiệp (của Việt Nam và FDI), đóng góp trên 4 tỷ USD doanh thu hàng năm, góp phần quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho NSNN, đồng thời liên quan đến việc làm và an sinh cho khoảng 1,5 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp.
“Ngành Giấy cung cấp mặt hàng thiết yếu, cần thiết cho rất nhiều lĩnh vực trong sản xuất – kinh doanh và cuộc sống của người dân, đóng vai trò quan trong cuộc sống, như: giấy in, giấy viết, giấy vệ sinh cho tiêu dùng; giấy phục vụ công tác văn hóa, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông… đồng thời cung cấp giấy bao bì, gắn với chuỗi giá trị xuất khẩu hàng hóa cho các ngành, sản phẩm khác nhau, như: điện tử, điện máy, may mặc, da giày, thủy hải sản, đồ gỗ, thương mại điện tử…
Trong định hướng phát triển đến năm 2030, ngành Giấy Việt Nam sẽ trở thành ngành sản xuất lớn ở khu vực ASEAN và châu Á, sản lượng giấy và bột giấy đứng thứ hai và giấy bao bì đứng thứ nhất trong khu vực, trong Top 10 châu Á, với ước tính khoảng hơn 10 triệu tấn giấy các loại, với 9 triệu tấn giấy bao bì, 1 triệu tấn bột giấy và 0,5 triệu tấn giấy vệ sinh…”
Nguồn: VPPA & Tạp chí công thương
Vừa qua cổ phiếu của Công ty Cổ phần Miza (Miza) chính thức...
Trong bối cảnh vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, dễ bị tổn...
Hiện nay, khi đánh giá về môi trường đầu tư nước ngoài...
Được đóng với quy cách từng chai nhỏ một đến một vài lít...
Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng được dự đoán sẽ càng...
Cần quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong tháo gỡ các rào về...
Tạo bước tiến lớn trong thương mại và đầu tư, cam kết một...
Việc áp dụng bảng giá đất mới dẫn tới tăng giá thuê đất...
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.900 đồng/cổ...
Công tác phòng vệ thương mại cần được đặt ra như một "lá...