RCEP đi vào thực thi từ 1/1/2022, ngắn hạn không tạo cú hích về xuất khẩu do Việt Nam đã có FTA với hầu hết các thành viên trong khối, song sẽ thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng mới.
RCEP có hiệu lực từ 1/1/2022 sẽ thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng mới
Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi từ ngày 1/1/2022 được hy vọng sẽ là một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư của Việt Nam với ASEAN và 5 đối tác ngoài ASEAN là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo Bộ Công thương, RCEP có hiệu lực sẽ góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, nhất là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Sau khi có hiệu lực RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP khoảng 27.000 tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng thế giới, gây ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế cùng xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc RCEP đi vào thực thi đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Các nước đối tác RCEP cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ 30-100% số dòng thuế.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng: "RCEP trong ngắn hạn sẽ không tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nhưng về trung hạn và dài hạn sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng mới trong khu vực, về lâu dài lợi ích của chúng ta sẽ thấy rõ, khi chuỗi cung ứng dịch chuyển về khu vực này và Việt Nam trở thành một thành phần của chuỗi cung ứng đó sẽ tạo động lực để xuất khẩu gia tăng".
RCEP là khu vực sản xuất, xuất nhập khẩu năng động trên thế giới. Khu vực này chiếm từ 50-55% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu chiếm 25-30%, còn nhập khẩu xấp xỉ 70%.
Trong khi đó, Việt Nam có mối quan hệ thương mại, đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên trong khối RCEP, những đối tác thuộc Top đầu các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, các nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam đều có mặt trong khối này.
Các nước RCEP hiện là nguồn cung nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam, đặc biệt là các loại nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị phục vụ nhiều ngành sản xuất xuất khẩu. Có thể hiểu đây là cơ hội để doanh nghiệp có nguồn đầu vào giá tốt, nguồn công nghệ có chất lượng để cải thiện sản xuất và cạnh tranh.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương): "Các nước RCEP là thị trường truyền thống của Việt Nam, nhưng cũng là nơi mà chúng ta có tỷ lệ nhập siêu lớn nhất. Nhập siêu có thể có nhiều nguyên nhân, ví dụ với Hàn Quốc là do có quan hệ đầu tư rất lớn, phần nhiều nguyên vật liệu, máy móc nhập siêu cũng đóng góp cho quá trình phát triển của các ngành sản xuất tại Việt Nam".
Số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, nhập siêu từ Trung Quốc 54 tỷ USD, tăng 53%; nhập siêu từ Hàn Quốc 34,2 tỷ USD, tăng 22,9%; nhập siêu từ ASEAN 12 tỷ USD, tăng 63,1%; nhập siêu từ Nhật Bản 2,4 tỷ USD, tăng 127,9%.
RCEP dù tạo ra không gian kết nối sản xuất, thương mại trong toàn ASEAN và các đối tác, giúp doanh nghiệp trao đổi nội khối mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa cũng trở nên khốc liệt hơn, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh trước áp lực hàng hóa nhập khẩu trong khối này.
Mối lo nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi, khó tiếp cận tín...
Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng thế giới...
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, đón nhận dòng...
VPPA-BẢN TIN THÁNG là thông tin tổng hợp hàng tháng về thị...
Ngày 10/12/2024 tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, Quận 1, TPHCM, Chi...
TS Võ Trí Thành vừa có những chia sẻ về câu chuyện doanh...
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) 2024 sẽ...
Mặc dù đã hoàn tất thanh tra, kiểm tra hoàn thuế Giá trị gia...
Nhu cầu tiêu dùng nội địa, một trong những động lực quan...
Nhu cầu tiêu dùng nội địa, một trong những động lực quan...