Hãng thẻ Mastercard hôm 27-12 cho biết doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ đã tăng 8,5% so với một năm trước đó và tăng 10,7% so với doanh số mùa mua sắm 2019.
Nhờ những nỗ lực giải phóng cảng container Los Angeles và Long Beach ở Bờ Tây nước Mỹ của nội các chính quyền Tổng thống Joe Biden, hàng hóa đã đầy trở lại trên các kệ của đại siêu thị Target hay Walmart.
Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong 17 năm qua, ngay cả khi người mua hàng phải vật lộn với giá cao hơn, thiếu hàng và chủng Omicron tăng vọt trong những tuần cuối của kỳ lễ mua sắm. Trước đó, Mastercard đã dự kiến mức tăng là 8,8%.
Ghi nhận tất cả các loại thanh toán bao gồm cả tiền mặt và thẻ, công cụ Mastercard SpendPulse ghi nhận rằng doanh số trong đợt lễ tính từ ngày 1-11 đến 24-12 gia tăng nhờ các mặt hàng quần áo và trang sức.
Tính theo lĩnh vực, quần áo tăng 47%, trang sức 32%, điện tử 16%. Doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng 11% so với một năm trước và 61% so với năm 2019. Các cửa hàng bách hóa đạt mức mức tăng 21% so với năm 2020.
Sau khi Omicron xuất hiện, một số người tiêu dùng ở nhà và chuyển sang mua sắm trực tuyến – nhưng doanh số bán hàng vẫn tăng mạnh. Steve Sadove, cố vấn cấp cao của Mastercard và cựu giám đốc điều hành của Saks Inc., cho biết: “Tôi thực sự hài lòng về doanh số năm nay. Khi mọi người cảm thấy ngại ra ngoài thì doanh số trực tuyến tăng một chút, còn tại cửa hàng thì hơi chậm lại”.
Đài ABC nói rằng bức tranh tổng thể của ngành bán lẻ tiêu dùng sẽ được tiết lộ vào tháng tới khi Liên đoàn bán lẻ quốc gia (NRF) sẽ công bố kết quả cả hai tháng cuối năm vào giữa tháng 1-2022. Kết quả sẽ dựa trên phân tích số liệu bán hàng tháng 11 và tháng 12 từ Bộ Thương mại. Các nhà phân tích cũng sẽ mổ xẻ kết quả tài chính quí 4 từ các nhà bán lẻ khác nhau dự kiến sẽ được công bố vào tháng 2 tới.
Nhìn chung, các nhà phân tích đã mong đợi một kỳ nghỉ lễ mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi hoạt động mua sắm sớm từ tháng 10 với dự đoán rằng hàng hóa sẽ thiếu hụt. Người tiêu dùng cũng có tâm trạng ăn mừng hơn sau hơn một năm thường quanh quẩn trong nhà.
Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tháng 11 khá chậm, một phần do hãy còn quá sớm. Chủng Omicron xuất hiện đã làm hỏng kế hoạch nghỉ lễ của nhiều gia đình người Mỹ, với các cuộc gặp mặt và tụ họp bị hủy vào phút chót.
Tuy vậy, lễ Giáng sinh năm nay và đón mừng năm mới 2022 của nhiều nhà gia đình Mỹ lại kém vui do có khoảng 2.700 chuyến bay bị hủy vào dịp cuối tuần. Dự kiến, số chuyến bay bị hủy trong tuần lễ cuối cùng của năm sẽ nhiều gấp bội do số ca nhiễm Covid tăng vọt và tình trạng thiếu hụt nhân viên của các hãng bay và dịch vụ mặt đất.
Tình trạng tương tự trên toàn cầu khi ước tính có gần 8.000 chuyến bay, đã gồm số liệu ở Mỹ, và hàng chục ngàn chuyến bay bị trễ giờ tính đến ngày 27-12. “Chủng Omicron đã cướp đi dịp đoàn tụ vui vẻ cuối năm của hàng triệu gia đình trên toàn cầu”, đài France24 bình luận. |
Vào đầu tháng 12, NRF cho biết doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ đang trên đà vượt qua mức tăng kỷ lục 8,2% của năm 2020 và có thể đạt mức kỷ lục mới 8,5-10,5%. NRF kỳ vọng doanh số bán hàng trực tuyến và không thông qua hệ thống cửa hàng – như đại lý xe hơi, trạm xăng và nhà hàng – sẽ tăng 11-15%. Doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ đã tăng trung bình 4,4% mỗi năm trong 5 năm qua – theo dữ liệu của NRF.
Doanh số bán hàng tuần lễ trước Giáng sinh tăng mạnh. Trong tuần lễ kết thúc ngày 18-12, lượng khách đến các cửa hàng đã tăng gần 20% so với năm 2020, mặc dù giảm 23% so với cùng tuần lễ của năm 2019, theo Sensormatic Solutions. Ông Peter McCall, Siám đốc cấp cao tư vấn bán lẻ của Sensormatic, lưu ý rằng người mua sắm vẫn đang đến các cửa hàng bán lẻ nhưng hiện đang ưa chuộng các trung tâm mua sắm ngoài trời và trung tâm thương mại hơn là các trung tâm mua sắm khép kín.
Doanh số bán lẻ tiếp tục tăng trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi cho các nhà bán lẻ. Nhiều công ty đã phải tăng lương mạnh để tìm kiếm và giữ chân người lao động, làm tăng chi phí kinh doanh. Họ cũng chật vật tìm nguồn hàng để lấp đầy các kệ hàng trong lúc các cảng ở Mỹ vẫn chưa giải phóng hết tàu chở hàng.
Đồng thời, người Mỹ đã chứng minh khả năng phục hồi theo những cách rất riêng của họ. Họ trả nhiều tiền hơn cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và khí đốt, gây áp lực lên ngân sách của người đi mua sắm vào dịp lễ. Trên thực tế, giá tiêu dùng đã tăng 5,7% trong năm qua, tốc độ nhanh nhất trong 39 năm.
Người Mỹ cũng học cách thích nghi với tình trạng khan hiếm sản phẩm, chuyển sang lựa chọn thay thế nếu không có lựa chọn hàng đầu của họ, hoặc xem xét các địa điểm khác như eBay để tìm thương hiệu hàng đầu của họ.
Mặc dù các nhà bán lẻ lớn như Target và Walmart cam kết có đủ hàng hóa trong kỳ nghỉ lễ, nhưng hạn chế về nguồn cung dường như vẫn đang diễn ra ở các nước khác. CEO Brian Cornell của Target nói với hãng AP rằng sẽ mất vài năm để giải quyết các đứt gãy hay tắc nghẽn của chuỗi cung ứng.
Ricky Hồ
Nguồn: https://thesaigontimes.vn
Mối lo nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi, khó tiếp cận tín...
Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng thế giới...
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, đón nhận dòng...
VPPA-BẢN TIN THÁNG là thông tin tổng hợp hàng tháng về thị...
Ngày 10/12/2024 tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, Quận 1, TPHCM, Chi...
TS Võ Trí Thành vừa có những chia sẻ về câu chuyện doanh...
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) 2024 sẽ...
Mặc dù đã hoàn tất thanh tra, kiểm tra hoàn thuế Giá trị gia...
Nhu cầu tiêu dùng nội địa, một trong những động lực quan...
Nhu cầu tiêu dùng nội địa, một trong những động lực quan...