Tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành bao bì
Trong những năm qua ngành bao bì đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam và được đánh giá là ngành sản xuất có nhiều tiềm năng với những cơ hội đến từ sự phát triển của ngành công nghiệp, thương mại điện tử, truyền thông kỹ thuật số, và các Hiệp định thương mại được ký kết.
Theo FiinGroup, bao bì là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh tại thị trường Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 13,4%/năm trong giai đoạn 2015-2020. Nhìn chung, thị trường vật liệu bao bì đóng gói được chia thành các phân khúc: giấy và bìa cứng, nhựa, kim loại, thủy tinh, gỗ, dệt may và các vật liệu thích hợp khác như xốp, da... Trong đó, phần lớn doanh thu bán hàng thuộc về phân khúc bao bì nhựa, bao bì giấy và thùng carton với trên 80%.
Với ngành bao bì, đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 mang đến những tác động tích cực lẫn tiêu cực theo sự thay đổi hành vi người tiêu dùng. Giống như trong nhiều ngành công nghiệp khác, đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự gián đoạn lớn trong lĩnh vực bao bì do các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, thiếu lực lượng lao động. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nguyên liệu bị thiếu hụt, giá nguyên liệu tăng cao nhưng nguyên liệu sản xuất chủ yếu từ nhập khẩu và chiếm 60%-70% giá thành.
Bức tranh ngành bao bì trong năm qua là sự phân hóa theo nhóm ngành hàng và vật liệu đóng gói. Xét theo nhóm ngành hàng, các ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đến phân khúc bao bì đóng gói dược phẩm, thực phẩm đóng gói, dán nhãn chất khử trùng, bao bì xà phòng, chất tẩy rửa và nước rửa tay hiện có nhu cầu cao. Mặt khác, nhu cầu về bao bì cho các sản phẩm sang trọng và công nghiệp lại có xu hướng giảm.
Chia theo nhóm vật liệu, bao bì mềm là một trong những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng nhất do bao bì thực phẩm chiếm tỷ trọng cao, đang được duy trì tốt. Bao bì nhựa cứng cũng có sự phát triển tốt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, nhưng ở lĩnh vực khác bao gồm bao bì nhựa công nghiệp, đồ trang điểm/mỹ phẩm và hàng tiêu dùng khác đã gặp khó khăn hơn. Do nhu cầu đóng gói các sản phẩm phụ trợ, phục vụ việc bán hàng online và phân phối trực tiếp cùng hoạt động xuất khẩu tăng trưởng, đặc biệt là đối với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao như dệt may, da giày, thủy sản, linh kiện, thiết bị điện tử v.v giúp cho phân khúc giấy bao bì, hộp giấy, thùng carton có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Bao bì kim loại cũng ghi nhận những kết quả tích cực khi người tiêu dùng chuyển sang tích trữ thực phẩm lâu dài do hậu quả của đại dịch. Bao bì thủy tinh đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa khách sạn và nhà hàng, và chỉ được bù đắp ở một mức độ nào đó bằng doanh số bán đồ uống thông qua bán lẻ cao hơn. Ở phân khúc cao cấp, bao bì thủy tinh đã bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm lớn về nhu cầu từ ngành mỹ phẩm như nước hoa.
Doanh nghiệp duy trì tăng trưởng doanh thu lợi nhuận
Kết quả khảo sát của Vietnam Report về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao bì dưới tác động của đại dịch Covid-19 cho thấy một bức tranh nhiều màu sắc trong tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, với 37,5% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh xấu đi một chút; 25% doanh nghiệp không bị ảnh hưởng; 25% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn một chút và 12,5% doanh nghiệp phản hồi tốt hơn nhiều.
Tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Bao bì trong năm 2021
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp Bao bì, tháng 11/2021 |
Thị trường tiêu thụ của nhiều nhóm bao bì thuận lợi, khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao, nhưng biến động tăng giá của giá nguyên liệu đầu vào, tăng chi phí phát sinh do dịch Covid khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp, tỷ lệ doanh nghiệp có tăng trưởng doanh thu cao hơn so với nhóm tăng trưởng lợi nhuận. Số liệu thống kê sơ bộ của Vietnam Report cho thấy trong 16 doanh nghiệp bao bì niêm yết có 15 doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ, và chỉ có 7 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận.
Tuy nhiên, có những doanh nghiệp vẫn có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận do 3 yếu tố chính: có lợi thế chủ động được nguyên liệu đầu vào, tự cung ứng phần lớn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bao bì, khiến biên lợi nhuận gộp của những doanh nghiệp này cao hơn so với các doanh nghiệp khác cùng ngành; một số doanh nghiệp có công nghệ sản xuất bao bì từ hạt nhựa PP tái sinh (tái chế từ bao xi măng có nguồn cung trong nước dồi dào), chi phí nguyên liệu ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá hạt nhựa trên thị trường thế giới; nhiều doanh nghiệp có chiến lược quản trị tốt, nhập khẩu với số lượng lớn nên chi phí nhập khẩu tương đối tốt.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, Covid-19 cũng tạo ra thêm những cơ hội phát triển cho ngành bao bì Việt Nam, đẩy nhanh đổi mới sáng tạo, số hóa, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ ở nhiều phân khúc bao bì thuận lợi, đặc biệt là sự đánh giá cao hơn của xã hội về vai trò tích cực của bao bì. Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần thích ứng nhanh, có phương án phù hợp cho từng giai đoạn phát triển, đảm bảo các yêu cầu ngày cao về chất lượng và mẫu mã của bao bì, bảo quản tốt, tiện lợi, thông minh hơn, và đáp ứng truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.
5 yếu tố định hình xu hướng ngành bao bì trong thời kỳ bình thường mới
Theo đánh giá và phân tích của các chuyên gia Vietnam Report, xu hướng của ngành bao bì trong thời kỳ bình thường tiếp theo được định hình bởi 5 yếu tố: Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Tính bền vững và những chính sách quy định về môi trường, an toàn thực phẩm; Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng; Sự phát triển của thương mại điện tử; Sự phát triển công nghệ.
5 yếu tố định hình xu hướng của ngành bao bì trong thời kỳ bình thường tiếp theo
Nguồn: Vietnam Report |
Động lực và tiềm năng tăng trưởng của ngành Bao bì
Theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report, 6 biến số ảnh hưởng nhất đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp bao bì, bao gồm: Sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng; Sự biến động của giá và nguồn nguyên liệu, phụ gia; Sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nội – ngoại; Các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết; Khả năng hồi phục của nền kinh tế; Sự tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất.
Hơn 80% chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report nhận định trong năm 2022, ngành bao bì sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng và có thể tăng trưởng hơn một chút so với năm 2021. Ngành bao bì trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều động lực thúc đẩy khi mà Việt Nam và nhiều nước là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp bao bì cũng chuyển sang chiến lược sống chung với Covid, nền kinh tế có nhiều triển vọng phục hồi trong năm 2022, cùng với đó là nhiều người có việc làm và mua nhiều hàng hóa tiêu dùng hơn sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng của ngành bao bì.
Công nghiệp/vận chuyển là ứng dụng đóng gói cuối cùng lớn nhất, chiếm 41,6% doanh số bán hàng thế giới vào năm 2020, tiếp theo là thực phẩm với 29,6% và đồ uống với 13,9%. Tại Việt Nam, thống kê sơ bộ cho thấy bao bì đóng gói thực phẩm chiếm 30%-50%; điện – điện tử chiếm 5%-10%; hóa dược phẩm từ 5%-10%. Sự phát triển của ngành hàng thực phẩm của Việt Nam là tác nhân thúc đẩy lĩnh vực Bao bì đóng gói luôn đạt mức tăng trưởng bình quân từ 15% -20%/năm, riêng bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%/năm và chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất trong cơ cấu ngành nhựa (38% - 39%).
Kết quả khảo sát Vietnam Report về nhu cầu với một số phân khúc sản phẩm theo ngành hàng cho thấy xu hướng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 cho thị trường xuất khẩu, ngành hàng thực phẩm – đồ uống, điện tử, dược phẩm, bao bì xi măng. Lĩnh vực dược phẩm được dự báo sẽ tăng doanh số bán hàng đóng gói với tốc độ nhanh nhất, tiếp theo là điện tử và thực phẩm đồ uống. Trong lĩnh vực công nghiệp, doanh số bán hàng container rời trung gian (IBC) được dự đoán sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất, nhờ nhu cầu về thùng phuy nhựa và thép tăng do độ bền và khả năng tái sử dụng của chúng.
Đánh giá nhu cầu của một số phân khúc sản phẩm bao bì trong năm 2022
Nguồn: Vietnam Report khảo sát chuyên gia và các doanh nghiệp bao bì, tháng 11/2021 |
Các Hiệp định thương mại tự do EVFTA, CPTPP, RCEP được ký kết và đi vào hiệu lực dự báo sẽ tiếp tục mở ra cơ hội xuất khẩu cho các ngành hàng sử dụng nhiều bao bì như nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến v.v, cùng với nhu cầu về bao bì chất lượng cao trên thế giới rất lớn như giấy bao bì cao cấp (tráng phủ), điều đó mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành bao bì của Việt Nam.
Dư địa tăng trưởng của ngành bao bì tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn lớn từ việc nhiều doanh nghiệp bao bì đã nắm bắt cơ hội tăng trưởng bằng việc mở thêm nhà máy và nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Giấy, Bột giấy Việt Nam (VPPA) và Bao Bì Toàn Cầu, giai đoạn cuối năm 2020 đầu năm 2021 có 8 nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,4 triệu tấn/năm. Sự tăng đầu tư mở rộng sản xuất từ phía doanh nghiệp sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, đặc biệt là trong thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch, mà còn phục vụ xuất khẩu, và bắt nhịp ngay làn sóng khi chủ sở hữu nhiều thương hiệu cải tiến việc ra mắt sản phẩm của họ trong thời kỳ bình thường tiếp theo.
Trong trung và dài hạn, các chuyên gia trong ngành nhận định tăng trưởng trong ngành bao bì hiện đang được thúc đẩy bởi hai xu hướng lớn là tăng dân số toàn cầu và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. So với con số 7,8 tỷ người hiện nay, dân số toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 9,2 tỷ vào năm 2040. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 66% từ 3 tỷ lên hơn 5 tỷ trong 10 năm tới, với những người sống lâu hơn, khỏe mạnh và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một tăng.
Xét theo vật liệu đóng gói, bao bì giấy và thùng carton được dự báo sẽ tăng doanh số bán, theo dự đoán của VPPA, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng bao bì giấy dự báo tăng trưởng 14%-18%/năm. Trong giai đoạn 5 năm tới, đại dịch sẽ tiếp tục có ảnh hưởng và phân khúc vật liệu phát triển nhanh thứ hai sẽ là nhựa cứng và mềm. Mặc dù loại chất liệu này thường được coi là những loại bao bì kém bền vững nhất, nhưng cả hai đều sẽ được hưởng lợi từ việc đổi mới thiết kế và một loạt các công nghệ tái chế mới, cả cơ học và hóa học trong thời gian tới, tạo ra sự tiện lợi, hiệu quả, chi phí thấp khi người tiêu dùng chuyển sang mua nhiều hàng hóa đóng gói hơn.
Top 5 giải pháp của doanh nghiệp bao bì
Để đạt được thành công trong bối cảnh nền kinh tế biến động và nhiều xu hướng phát triển vượt bậc sẽ đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần có một tư duy đổi mới kết hợp với các lựa chọn chiến lược đúng đắn. Sự tiếp cận chủ động sẽ giúp các công ty đi đầu trong các diễn biến của thị trường, đồng thời tạo cơ hội trở thành đối tác quan trọng của khách hàng, các chủ thương hiệu.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra top 5 giải pháp của doanh nghiệp bao bì trong thời kỳ bình thường tiếp theo. Đó là: Tăng cường đầu tư công nghệ, số hóa các hoạt động vận hành của doanh nghiệp; Tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, chuỗi cung ứng; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với chuyển đổi số; Mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động marketing; Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự thay đổi trong chiến lược hành động của doanh nghiệp bao bì, nếu như năm 2020 phương án Mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động marketing là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất, thì năm nay Tăng cường số hóa các hoạt động vận hành là giải pháp được ưu tiên hàng đầu với gần 80% doanh nghiệp lựa chọn, gia tăng đáng kể so với kết quả khảo sát năm trước (năm 2020 là 57,14%). Ngành công nghiệp bao bì áp dụng chuyển đổi số còn hạn chế, có 20% doanh nghiệp khảo sát cho biết còn đang trong giai đoạn thiết kế chuyển đổi số. Với cách tiếp cận đúng đắn và trọng tâm thực hiện, các công ty bao bì sẽ có thể nâng cao hiệu quả về chi phí, tăng trưởng và năng suất do kỹ thuật số mang lại.
Top 5 giải pháp của doanh nghiệp Bao bì trong thời kỳ bình thường tiếp theo
Nguồn: Vietnam Report khảo sát các doanh nghiệp bao bì, tháng 11/2021 |
Việc chuyển đổi kỹ thuật số đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng rất nhiều đến công nghệ của ngành đóng gói, cùng với đó đầu tư vào con người cũng là một cách để nâng cao hiệu quả sản xuất bao bì. Nhiều doanh nghiệp bao bì cho biết một trong những khó khăn mà hầu hết doanh nghiệp gặp phải khi tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số trong thời gian qua đó là việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng và vận hành hoạt động chuyển đổi số. Theo đó, hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với chuyển đổi là một trong 5 giải pháp quan trọng các doanh nghiệp bao bì lựa chọn. Bên cạnh đó, 40% doanh nghiệp lựa chọn thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong thời gian tới thông qua tăng sử dụng nguyên liệu có thể tái tạo và tái chế như thu gom bao bì giấy, xây dựng nhà máy tái chế; nâng cao công tác quản trị; liên kết hợp tác trong chuỗi cung ứng, giảm lượng khí thải cac bon./.