Thế giới sắp bước sang năm 2023 và viễn cảnh suy thoái cũng gần hơn. Trước nguy cơ chi tiêu của người tiêu dùng chững lại, nhiều doanh nghiệp của Mỹ đang chuẩn bị sẵn tâm thế.
CEO của các công ty lớn như JPMorgan, Walmart và General Motors (GM) vừa tham gia một cuộc phỏng vấn của CNBC. Họ đã cùng nhau thảo luận về lạm phát, lãi suất, vấn đề địa chính trị và tác động của loạt sự kiện này đến triển vọng năm tới.
Dưới đây là những nhận định của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nêu trên:
Ông Dimon cho rằng lãi suất tăng, lạm phát cao kỷ lục, áp lực địa chính trị lớn và các yếu tố khác có thể kết hợp lại thành một cuộc suy thoái kinh tế.
Chia sẻ với CNBC, vị CEO cho biết các khoản tiền tiết kiệm của người dân và trợ cấp của chính phủ trong thời kỳ đại dịch đã giữ cho chi tiêu của người tiêu dùng ổn định. Tuy nhiên, lạm phát và lại suất tăng đang “bào mòn mọi thứ”.
Ông Jamie Dimon, CEO JPMorgan. (Ảnh: Reuters).
Ông dự đoán rằng xu hướng chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ trong năm nay sẽ không kéo dài lâu hơn nữa. Đồng thời, CEO của JPMorgan còn nhấn mạnh về rủi ro mà lãi suất tăng cao gây ra, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cố gắng điều hướng chính sách để khống chế lạm phát.
Các biến động địa chính trị trong năm nay như chiến sự tại Ukraine và căng thẳng thương mại với Trung Quốc cũng là hai trong số những “đám mây báo bão” mà ông Dimon đang theo dõi.
Khi đồng USD mạnh lên, ông lưu ý rằng việc giao dịch quốc tế của các mặt hàng như dầu mỏ sẽ tiếp tục trở nên đắt đỏ hơn, bởi các đồng tiền khác phải yếu đi trước sức mạnh của đồng bạc xanh.
Vị CEO cho hay: “Trong tương lai, các yếu tố trên có thể làm chệch hướng nền kinh tế và gây ra suy thoái từ nông cho đến sâu, như những gì mọi người đang lo lắng. Đó có thể là một cơn bão lớn mà chúng ta không ai biết rõ”.
CEO Mary Barra của GM nhìn thấy những cơn gió ngược vào năm tới nhưng không gióng lên hồi chuông cảnh báo về suy thoái kinh tế.
“Tôi sẽ không đưa ra nhận định về suy thoái, đó là công việc của các nhà kinh tế. Nhưng bây giờ, chúng ta vẫn đang thấy một lượng người tiêu dùng khá vững mạnh”, bà nói.
CEO Mary Barra của GM. (Ảnh: Reuters).
Mặc dù vậy, hãng sản xuất ô tô này vẫn đang hành động một cách thận trọng để chuẩn bị cho khả năng nhu cầu sụt giảm, tương tự như trong các ngành công nghiệp khác, theo CNBC.
Trong thời đại dịch, khi người tiêu dùng chi tiêu ít hơn cho du lịch và dịch vụ, một số ngành được hưởng lợi nhờ nhu cầu đi lên và rơi vào bế tắc khi nhu cầu biến mất về sau.
Bà Barra cho biết GM đang chuẩn bị cho “một năm 2023 khá thận trọng” về mặt chi phí để tránh bị đánh úp bất ngờ, nhưng bà vẫn nhìn thấy “nhu cầu bị dồn nén” kéo dài từ đại dịch đến nay.
Vị CEO cũng dự đoán rằng các vấn đề do COVID-19 gây ra, chẳng hạn như tình trạng thiếu chất bán dẫn và chuỗi cung ứng bị kéo căng, sẽ kéo dài sang năm 2023, bất chấp những cải thiện ở mỗi quý.
CEO của Walmart không muốn suy thoái kinh tế, nhưng ông nghĩ rằng đó là điều cần thiết để giảm bớt áp lực lạm phát cho khách hàng của mình.
Ông McMillon cho hay: “Một số khách hàng của chúng tôi đã chi tiêu dè sẻn hơn sau khi chịu áp lực lạm phát trong suốt nhiều tháng nay.
Liệu Fed có nên làm việc mà họ cần làm hay không [kích hoạt suy thoái], ngay cả khi cuộc hạ cánh lần này khó khăn hơn? Tôi nghĩ chúng ta cần phải trị dứt điểm lạm phát”.
Ông Doug McMillon, CEO Walmart. (Ảnh: Reuters).
Dù hoạt động mua sắm của người tiêu dùng nói chung tại Walmart vẫn mạnh mẽ, ông McMillon phát hiện ra rằng chi tiêu đã thắt chặt hơn trong một số danh mục như đồ điện tử và đồ chơi.
Mặt khác, Walmart cho biết các vấn đề nhân sự thời đại dịch đã bắt đầu giảm bớt khi họ tăng lương cho nhân viên. Song, CEO McMillon lưu ý rằng Walmart vẫn đang gặp khó khăn khi tuyển dụng thu ngân.
Nếu một cuộc suy thoái nghiêm trọng xảy ra, ông McMillon đảm bảo rằng Walmart sẽ không dùng đến biện pháp cắt giảm nhân sự.
CEO Scott Kirby của hãng hàng không United Airlines cho biết công ty của ông đang bước sang năm mới với tâm lý lạc quan, song “một cuộc suy thoái nhẹ do Fed gây ra” có thể xảy ra trong năm 2023.
Các chuyến bay phục vụ mục đích đi công tác của United Airlines đang phục hồi mạnh sau cú lao dốc thời COVID, nhưng ông Kirby nói rằng nhu cầu của khách du lịch đang đi ngang và đây có thể là một “hành vi [điển hình] trước suy thoái”.
Và mặc dù ngành hàng không đang ở “giai đoạn thứ 8” của quá trình phục hồi hậu đại dịch, CEO Kirby cho biết họ vẫn đang phải vật lộn với những vấn đề còn sót lại như thiếu phi công và giá nhiên liệu đắt đỏ.
CEO Scott Kirby của United Airlines. (Ảnh: Reuters).
CEO Lance Fritz của công ty vận tải đường sắt Union Pacific Railroads cho biết hoạt động vận chuyển hàng hoá đang chững lại. Theo ông, đây là một dấu hiệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đang giảm dần và nền kinh tế đang thắt chặt.
CEO Lance Fritz của hãng vận tải đường sắt Union Pacific. (Ảnh: CNBC).
Ông Fritz muốn Fed cân nhắc xem việc gây áp lực lên túi tiền của người tiêu dùng và có khả năng gây ra suy thoái kinh tế vào năm 2023 là có đáng để hạ nhiệt lạm phát hay không.
Khi lãi suất tiếp tục tăng, vị CEO dự đoán chi tiêu và nhu cầu chắc chắn sẽ giảm xuống.
“Fed đang cố tấn công tất cả chúng ta bằng một nền kinh tế chậm lại và nhu cầu bị tổn thương. Điều đó không tốt chút nào”, ông Fritz nhận xét.
Khả Nhân
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
“Cửa ải” tiêu chuẩn ESG sẽ dễ dàng hơn cho hàng Việt xuất...
Lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng, trong bối cảnh chính...
Khả năng tăng giá thành sản phẩm sẽ tiếp tục “đeo bám”...
Kinh tế Việt Nam tăng tốc, vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2024,...
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm,...
Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá...
“Cơ hội ngàn năm để Việt Nam vào nhóm nước phát triển”;...
Sáng 31/12, Công đoàn Các khu công nghiệp (CĐCKCN) tỉnh Long An tổ...
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng,...
Mối lo nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi, khó tiếp cận tín...