Các căng thẳng địa chính trị đang đẩy toàn cầu hóa đến nguy cơ

Các căng thẳng địa chính trị đang đẩy toàn cầu hóa đến nguy cơ thoái trào.

Vì sao toàn cầu hóa đang thoái trào?

Từ những thập niên 80 của thế kỷ trước, toàn cầu hóa ra đời trở thành sợi dây kết nối giữa các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển trong một mạng lưới cùng có lợi. Các nước giàu hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu và nhân công rẻ, trong khi nguồn vốn đầu tư khổng lồ chảy sang các nước đang phát triển. Toàn cầu hóa đã được công nhận trên toàn cầu và hiện vẫn là một nguồn lực phát triển quan trọng nhất tại châu Á, châu Phi hay Mỹ La-tinh.

Thế nhưng, hệ thống này đang đối mặt nguy cơ lớn trong thế kỷ 21. Xung đột lợi ích, bất bình đẳng tạo ra do thương mại tự do đã gây ra hậu quả dây chuyền cho nền kinh tế thế giới và tác động chính trị sâu rộng. Cuộc khủng hoảng 2008, đại dịch Covid-19 và các cuộc xung đột gần đây cho thấy toàn cầu hóa đã trở nên mong manh.

Covid-19 thổi bùng sự bất cập trong chuỗi cung ứng sản xuất và phân bổ vaccine, trang thiết bị y tế. Chiến sự Nga – Ukraine còn khiến nhiều thứ vượt ngoài tầm kiểm soát, bao gồm lạm phát, giá nhiên liệu, lương thực… Đến Mỹ cũng không thể tự nâng cao năng suất đạn dược để cung ứng cho Ukraine do vướng mắc tại chuỗi cung ứng phức tạp.

Thậm chí, những vụ việc mang tính địa phương cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Năm 2021, tàu hàng khổng lồ EverGiven mắc kẹt ở kênh đào Suez và làm tắc nghẽn con đường thông thương chủ đạo của thế giới, gây thiệt hại khoảng 400 triệu USD mỗi giờ đồng hồ. Hay như năm 2011, lũ lụt ở Thái Lan đã làm đình trệ chuỗi cung ứng ô tô và một số sản phẩm điện tử toàn cầu do đây là nơi sản xuất một số loại chip thiết yếu.

Xu hướng phân mảnh ngày càng lớn

Các quốc gia đã nhận ra lỗ hổng lớn này, nhưng tìm cách khắc phục bằng cách tăng cường tự chủ kinh tế hơn nữa. Điều này đã đi ngược lại bản chất của toàn cầu hóa. Dòng chảy tài chính và thương mại trên thế giới hiện đã giảm xuống từ mức đỉnh trong nhiều năm. Các thống kê cho thấy năm 2008, hoạt động xuất khẩu trên thế giới đã đạt đỉnh, chiếm 31% GDP toàn cầu, đã giảm dần chỉ còn 26% vào năm 2020.

Các rào cản thương mại được dựng lên để ưu tiên bảo vệ nền kinh tế trong nước. Theo dữ liệu của WTO, kể từ năm 2010 đến nay, lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế quan và các rào cản thương mại khác đã tăng từ 126 tỷ lên 1.500 tỷ USD.

Mỹ dưới thời ông Donald Trump nổi tiếng với khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” thông qua rút ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm thỏa thuận TPP (nay là CPTPP). Mới đây nhất, Tổng thống Biden ban hành Đạo luật Chống Lạm phát (IRA) với nhiều chế tài bảo hộ ngành sản xuất xanh trong nước, gây phẫn nộ lớn từ các đồng minh châu Âu.

Những sự cố mang tính địa phương cũng gây ra tác động khủng khiếp đến kinh tế toàn cầu

Những sự cố mang tính địa phương cũng gây ra tác động khủng khiếp đến kinh tế toàn cầu

Sáng kiến “Made in China 2025” của Trung Quốc không chỉ nhằm tăng trưởng kinh tế đơn thuần, mà còn tìm cách tự chủ khỏi chuỗi cung ứng ngành công nghệ do Mỹ dẫn đầu. Tương tự, nước Nga đã khởi động nỗ lực đẩy mạnh sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài vào 2014 sau khi bị cấm vận từ sự kiện Crimea. Ấn Độ cũng không thua kém, với “Make in Ấn Độ” năm 2014 tìm cách bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trong các lĩnh vực cụ thể khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài.

Cơ hội nào cho các nước nhỏ

Khi các cường quốc trong chuỗi cung ứng thu mình lại, các nước nhỏ có ít lựa chọn để nâng cao năng lực của mình. Sự hạn chế trong nguồn vốn khiến các quốc gia này phải đánh đổi nhiều hơn để kiếm về những khoản ngoại tệ. Như năm ngoái, tổ chức Oxfam đã gọi cuộc cạnh tranh thu hút FDI bằng ưu đãi thuế của một số nước Đông Nam Á là “cuộc đua xuống đáy”.  

Dù vậy, toàn cầu hóa sẽ không thể bị thay thế. Vấn đề là các nước nhỏ hơn sẽ phải tìm cách điều chỉnh để sống chung với các ưu tiên chính sách của các cường quốc.

Tận dụng sự đa dạng hóa các nguồn cung cấp và sản xuất hàng hóa, dịch vụ là một trong số đó. Như Apple đang nỗ lực chuyển một số hoạt động sản xuất và lắp ráp từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam. Nhưng các chuyên gia cho rằng quá trình này sẽ hạn chế, bởi đa dạng hóa thường tốn kém và làm phức tạp hóa quá trình quản lý.

Chiến thuật thứ hai là tìm cách đầu tư vào các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ xanh. Đây đang được coi là động lực để tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai. Các quốc gia nhỏ hơn có ưu thế trong lĩnh vực này có thể sẽ giành được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Nhưng đầu tư ban đầu về vốn và kĩ thuật là rất lớn.

Xu hướng mới của toàn cầu hóa:

Xu hướng mới của toàn cầu hóa: "phân mảnh dựa trên địa chính trị"?

Các chuyên gia dự báo, toàn cầu hóa sẽ chuyển hướng sang một mô hình “phân mảnh dựa trên các ranh giới địa chính trị”. Trong đó, các quốc gia có chung lý tưởng sẽ đảm nhận vai trò cung ứng lẫn nhau, như Mỹ và châu Âu, hay Trung Quốc - Nga. Xu hướng này có thể giúp đảm bảo sự bền vững của nền sản xuất nhưng cũng hạn chế nguy cơ bị “vũ khí hóa” các yếu tố thiết yếu của nền kinh tế.

“Đối tác trong chuỗi cung ứng thông qua các quốc gia được coi là đồng minh địa chính trị là cách để loại bỏ mối đe dọa gián đoạn do căng thẳng địa chính trị”, GS. Eswar Prasad, chuyên gia về chính sách thương mại tại ĐH Cornell nhận xét.

Thế nhưng trong kịch bản này, các nước nằm cuối chuỗi cung ứng dường như chịu thiệt nhất. Họ, hoặc phải tham gia vào một cuộc cạnh tranh địa chính trị không hồi kết, hoặc không thể tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn FDI từ bên ngoài khi các cường quốc gia tăng nghi ngại lẫn nhau.

TRƯỜNG ĐẶNG

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn