Ông có thể cho biết tình hình hoạt động của các doanh nghiệp ngành giấy trong thời gian qua?
Do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế và chính trị thế giới những năm gần đây, các doanh nghiệp ngành giấy và bao bì của Việt Nam tiếp tục gặp không ít khó khăn. Thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc có sự sụt giảm cả về số lượng lẫn giá cả, trong khi đó đầu tư vào lĩnh vực giấy và bao bì carton tiếp tục tăng dẫn đến sức ép cạnh tranh hết sức gay gắt.
Tuy vậy, điều tích cực đối với ngành giấy trong thời gian qua là xu hướng phát triển bền vững của các doanh nghiệp, thể hiện qua các dự án mới có quy mô trung bình đến lớn (100.000 tấn/năm trở lên) ngày càng nhiều, với công nghệ và thiết bị tiên tiến, mức độ số hóa và tự động hóa cao, giúp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm phát thải, quản lý và xử lý tốt chất thải,… đều được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Thêm vào đó, một số địa phương, tiêu biểu như tỉnh Bắc Ninh đã tích cực vào cuộc xóa bỏ tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, trong đó có nghề giấy. Những yếu tố đó đã tác động trực tiếp và tích cực đến hình ảnh của ngành giấy là ngành phù hợp tự nhiên với nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh những yếu tố trên, ngành giấy Việt Nam còn gặp phải thách thức nào khác, thưa ông?
Hiện ngành giấy Việt Nam đang có một số thách thức cần được quan tâm giải quyết và tích cực tháo gỡ. Đó là sự mất cân đối trong đầu tư; nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất; đội ngũ lao động, đặc biệt là lao động quản lý và kỹ thuật có chuyên môn cao còn thiếu và yếu.
Ngoài ra, việc đánh giá và nhận thức của các địa phương, xã hội về ngành giấy cũng cần được thay đổi, đặc biệt là với lĩnh vực sản xuất bột giấy. Trước đây, các địa phương thường không mặn mà với các dự án đầu tư sản xuất bột giấy do nghĩ đây là các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Điều này dẫn tới nghịch lý là chúng ta đang là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu dăm gỗ (wood chip) với khối lượng quy khô 15 - 18 triệu tấn/năm, nhưng vẫn phải nhập khẩu 400.000 - 500.000 tấn bột giấy hàng năm và nhu cầu này còn tăng nhanh trong thời gian tới.
Nghĩa là cần có cái nhìn đúng, công tâm và cởi mở hơn hơn đối với ngành giấy?
Hầu hết các nước trên thế giới, ngay cả các nước phát triển đều coi ngành giấy là ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, được coi là phù hợp tự nhiên với nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, do các yếu tố: Đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống; tỷ lệ thu gom và tái chế cao (hiện tỷ lệ thu gom bình quân của thế giới khoảng 65%, còn của các nước phát triển là trên 80%); nguyên liệu chính của ngành giấy (dăm gỗ - wood chip) là nguồn nguyên liệu tái tạo (khai thác từ rừng trồng được quy hoạch); sản phẩm dễ phân hủy trong điều kiện môi trường tự nhiên.
Ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam trao kỷ niệm chương cho các đơn vị tài trợ tại Hội nghị toàn thể hội viên Chi hội 2, lần 2 khóa VII, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Ngoài ra, ngành giấy cũng đang tích cực cải tiến cả trong sản xuất và tiêu dùng theo xu hướng tiết kiệm tài nguyên (sản xuất và sử dụng nhiều sản phẩm giấy mỏng hơn, với độ trắng thấp hơn hoặc không tẩy trắng), tiêu hao năng lượng và nước sạch thấp hơn, giảm phát thải,... Chính vì thế, các sản phẩm giấy được đang được cả thế giới ưu tiên, khuyến khích thay thế cho sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Do đó, rất cần có sự thay đổi về cách nhìn, cách nghĩ đối với vai trò và đúng bản chất của ngành giấy, đặc biệt là với các ngành chức năng lẫn chính quyền các cấp để có các chính sách phù hợp hỗ trợ cho ngành giấy và bột giấy phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của xã hội và các ngành kinh tế khác.
Theo ông, để phát triển bền vững ngành giấy cần có giải pháp gì?
Hiện nay, tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng giấy trên đầu người mỗi năm còn đang ở mức thấp vào khoảng 60kg, Trung Quốc khoảng 100kg, trong khi các nước phát triển như Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện đã trên 200kg. Do đó, theo các chuyên gia dự báo, nhu cầu tiêu dùng giấy ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và nếu không có chính sách phù hợp về nhập khẩu giấy thu hồi/phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, cũng như từng bước giải quyết sự mất cân đối, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều khó khăn, phức tạp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Để phát triển bền vững, ngành giấy Việt Nam cần phải đầu tư bài bản vào khâu sản xuất bột giấy và tiếp tục cải thiện nâng cao tỷ lệ thu gom giấy đã qua sử dụng. Hy vọng trong một vài năm tới, Việt Nam sẽ có 01 hoặc 02 dự án bột giấy có quy mô đủ lớn (200.000 tấn/năm trở lên) với thiết bị, công nghệ tiên tiến, sản phẩm có chất lượng cao với giá cạnh tranh, đảm bảo hiệu quả đầu tư và bảo vệ tốt môi trường.
Xin nhấn mạnh lại một lần nữa: Đối với các doanh nghiệp, điều quan trọng nhất bây giờ là phải coi trọng đầu tư vào công nghệ, thiết bị tiên tiến, tăng cường số hóa và tự động hóa, thực hành kinh doanh bền vững theo ESG,… để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đúng xu thế tiêu dùng với chi phí giá thành thấp nhất có thể, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn cho xuất khẩu; đồng thời phải đáp ứng đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Đó là phát triển bền vững!
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Hoàng Trung Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) khóa VII, nhiệm kỳ 2023 – 2028, là người có nhiều năm hoạt động trong ngành và luôn dành nhiều tâm huyết cho sự phát triển bền vững của ngành giấy. VPPA dưới sự điều hành của ông đã trở thành ngôi nhà chung của các doanh nghiệp. Hiệp hội và các Chi hội đã có nhiều hoạt động tích cực, kết nối, cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên. Song song đó, với tư cách là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp giấy và bột giấy Việt Nam, Hiệp hội đã luôn chủ động và tích cực trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài nước. Đồng thời, đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về giải pháp tháo gỡ khó khăn, cũng như tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp. Hiệp hội đã, đang và sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới nhập khẩu giấy thu hồi/phế liệu, chính sách thuế với nguyên liệu thu gom trong nước,... Đặc biệt, Hiệp hội đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện các yêu cầu và đăng ký kịp thời để đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia được phép nhập khẩu giấy thu hồi/phế liệu từ châu Âu theo quy định mới của Hội đồng châu Âu. Nếu không đủ điều kiện để được đưa vào danh sach các nước được phép nhập khẩu giấy thu hồi từ châu Âu sẽ hưởng rất lớn đối với ngành giấy Việt Nam do các doanh nghiệp có thể gặp khủng hoảng, thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng trong ít nhất 02 năm, trước khi tiếp tục được xem xét bổ sung. |
Nguồn: Vietnam Business Forum
Trong bối cảnh nhu cầu không có nhiều đột biến nhưng đầu tư...
Các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất Việt Nam xấu đi...
Năm 2025 được dự báo là năm tiếp tục có sự cạnh tranh gay...
Dịp Tết, nhiều doanh nghiệp chi trả tiền thưởng, kéo theo nhu...
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos ngày 21/1, Thủ...
“Cửa ải” tiêu chuẩn ESG sẽ dễ dàng hơn cho hàng Việt xuất...
Lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng, trong bối cảnh chính...
Khả năng tăng giá thành sản phẩm sẽ tiếp tục “đeo bám”...
Kinh tế Việt Nam tăng tốc, vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2024,...
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm,...