Tin Tổng Hợp


Một mô hình kinh tế mới với lợi ích về môi trường được đặt lên hàng đầu đang được hình thành mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, việc giảm phát thải, tạo ra tín chỉ carbon để trao đổi trên thị trường sẽ là chiếc chìa khóa giải quyết được hàng loạt vấn đề trên hành trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới này.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường: Doanh nghiệp cần thực hiện hạch toán carbon

Việc hạch toán carbon, hạch toán đa dạng sinh học là những nền tảng bước đầu để DN có thể thực hiện được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bởi lẽ hạch toán và kiểm toán carbon sẽ đem lại giá trị cho DN, chứ không hẳn chỉ là chi phí.

Hiện nay Thượng viện Hoa Kỳ đã trình để ban hành quy định về cạnh tranh xanh, trong đó mỗi tín chỉ carbon giảm phát thải sẽ mang lại nguồn lợi là 55 USD, tăng 5% mỗi năm theo tỷ lệ lạm phát và đến năm 2030 có thể đạt tới 90-100 USD. Như vậy, hiện nay rác thải và phát thải đang thực sự đã trở thành tài nguyên và DN có thể tạo ra tín chỉ từ việc hạch toán và báo cáo; việc hạch toán, báo cáo cũng giúp DN giảm phí chi trả cho tín chỉ carbon khi xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu, Mỹ và các nước phát triển trong thời gian tới.

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE): Tập trung hỗ trợ Doanh nghiệp kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính

Tháng 8/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với IFC ra mắt Sổ tay Hướng dẫn Báo cáo phát thải khí nhà kính. Đây là cuốn cẩm nang hữu ích giúp các DN thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính dễ dàng hơn, giúp các DN đáp ứng các quy định của pháp luật và các yêu cầu liên quan đến công bố thông tin về khách hàng và chuỗi cung ứng để bắt đầu hành trình hướng tới phát thải ròng bằng 0.

Thời gian tới, HoSE sẽ tiếp tục phối hợp cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, IFC và Viện Tiêu chuẩn quốc gia Vương quốc Anh (BSI) thực hiện chuỗi chương trình đào tạo về “Kiểm kê và báo cáo khí nhà kính” cho các DN niêm yết tại Hà Nội và TPHCM; sẽ tổ chức các buổi đào tạo cụ thể cho từng ngành nghề lĩnh vực, để từ đó các DN niêm yết có thể sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ báo cáo của mình với các cơ quan liên quan.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA): Ngành gỗ có nhiều cơ hội về tín chỉ carbon

Cơ hội về tín chỉ carbon trong ngành công nghiệp gỗ sẽ đến từ carbon lâm nghiệp. Việt Nam có 14,2 triệu ha rừng, chiếm 42% diện tích đất nước, trong đó có 7 triệu ha trừng trồng sản xuất. Ở hai khu vực rừng tự nhiên và trừng trồng sản xuất này, nếu biết quản trị hiệu quả, chứng minh được sự tăng trưởng sinh khối và giảm phát thải, thì đây chính là nguồn tín chỉ carbon dồi dào. Vừa qua Việt Nam đã nhận được hơn 51 triệu USD đầu tiên (tương đương với 10,3 triệu tín chỉ carbon) từ Ngân hàng thế giới do chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.

Đặc biệt, Việt Nam còn có cơ hội từ việc trồng rừng cho mục tiêu lấn biển, giữ đất ở khu vực biển phía Nam, Tây Nam từ Cần Giờ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang,... Riêng trong lĩnh vực chế biến gỗ, về cơ bản đây vẫn là ngành phát thải âm, nếu DN xây dựng được hệ thống kiểm đếm phát thải khí nhà kính, hệ thống giúp truy vết dấu chân carbon, thì cũng có cơ hội cho việc có dư tín chỉ carbon để thương mại, có nguồn thu ngoài sản phẩm chính. Những ngành như Mass Timber (gỗ cấu kiện cho xây dựng) có nhiều tiềm năng khi sử dụng nhiều gỗ mà phát thải chế biến thấp, việc ngành công nghiệp sử dụng nhiều gỗ lại thúc đẩy việc trồng rừng, đặc biệt là trồng gỗ lớn, sinh trưởng nhanh.

Chìa khóa cho nhiều vấn đề mới

Ở thời điểm hiện tại, giảm phát thải là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh nguy cơ ngày càng gia tăng của một cuộc khủng hoảng khí hậu. Nhưng để làm được điều này đỏi hỏi một nguồn tài chính vô cùng lớn. Theo ước tính, các nước đang phát triển cần đến 6.000 tỷ USD để hoàn thành một nửa các mục tiêu đặt ra trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo đó, thị trường carbon đang được xem là một trong những giải pháp cho thách thức này.

Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới. Dự kiến, sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được triển khai thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028.

Nói về cơ hội dành cho các DN Việt Nam trong việc hợp tác quốc tế để chia sẻ “nguồn lợi” từ dòng tài chính mới này, TS Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, về mặt vĩ mô, DN giảm phát thải, tham gia thị trường carbon là cùng Chính phủ thực hiện cam kết quốc tế trong giảm phát thải; trực tiếp đóng góp vào công cuộc bảo vệ loài người trước tác động của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó là những lợi ích trực tiếp mà DN nhận được. Đó là việc tham gia thị trường carbon, tài chính xanh chắc chắn sẽ làm tăng giá trị thương hiệu của DN, qua đó sẽ giúp DN có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm. DN thực hiện giảm phát thải cũng là cơ hội để chính DN thay đổi mô hình sản xuất, công nghệ. Qua đó tạo ra tín chỉ để bán ra thị trường, thu về lợi nhuận. Điển hình như hãng xe điện Tesla đã thu về 1,78 tỷ USD từ bán tín chỉ carbon trong năm 2022, chiếm 10% tổng lợi nhuận trong năm của DN này.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon – CODE thậm chí còn ví von những quy định mới liên quan tới môi trường của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam giống như “cơn sóng thần” chuẩn bị ập tới, và việc giảm phát thải để tạo ra tín chỉ carbon chính là hầm trú ẩn cho vấn đề này. Theo đó, tương tự như khi Việt Nam gia nhập WTO, việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp là yêu cầu bắt buộc và tất yếu, nếu không DN sẽ bị loại khỏi cuộc chơi về thương mại, đầu tư toàn cầu.

Sự chủ động từ phía DN

Nhận thấy những lợi ích to lớn từ thị trường carbon, nhiều DN đã và đang tích cực triển khai các giải pháp giảm phát thải, chuẩn bị sẵn sàng khi thị trường này đi vào vận hành. Nổi bật như Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đề ra lộ trình cụ thể cho mục tiêu Net Zero 2050: cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035 và tiến đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đặc biệt, sau quá trình hoàn thành kiểm kê khí nhà kính tại các đơn vị năm 2022, nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An và trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An đã trở thành đơn vị đầu tiên đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014.

Tương tự, Nestlé Việt Nam cũng là một trong những DN tiên phong về phát triển bền vững. Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Công ty Nestle Việt Nam cho biết, Nestlé tập trung vào các nhóm giải pháp về giảm khí thải nhà kính trong toàn bộ chuỗi cung ứng, cũng như thực hiện vai trò thúc đẩy sự chuyển đổi sang phương thức canh tác nông nghiệp bền vững nhằm xây dựng hệ thống thực phẩm tái sinh, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực bền vững, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tăng cường sinh kế và đa dạng sinh học. Sau 12 năm thực hiện, chương trình NESCAFE Plan đã giúp người nông dân ở Tây Nguyên tiết kiệm được 40% nước tưới, giảm 20% lượng phân bón, giảm 20% chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo được năng suất cây trồng. Từ đó, giúp cải thiện thu nhập của người nông dân và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Còn trong sản xuất, hiện 100% bã cà phê sau sản xuất của Nestlé Việt Nam được tái sử dụng làm nguyên liệu sinh khối, giúp giảm tiêu thụ khí đốt và giảm thải khí CO2. Bùn thải không nguy hại từ hoạt động sản xuất sau khi được xử lý cũng dùng để sản xuất phân bón. Cát thải lấy từ lò hơi được cung cấp cho nhà sản xuất gạch không nung tại địa phương, phục vụ cho các công trình xây dựng.

Nguyễn Hiền

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn

 

Bài viết liên quan

4 tập thể nhận Cờ thi đua xuất sắc của Liên đoàn Lao động tỉnh Long An

Sáng 31/12, Công đoàn Các khu công nghiệp (CĐCKCN) tỉnh Long An tổ...

Xuất khẩu trước áp lực phòng vệ thương mại: Biến nguy thành cơ

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng,...

Nhận diện những 'chướng ngại vật' doanh nghiệp cần vượt qua trong năm 2025

Mối lo nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi, khó tiếp cận tín...

Danh mục sản phẩm

Bài viết gần đây

4 tập thể nhận Cờ thi đua xuất sắc của Liên đoàn...

Sáng 31/12, Công đoàn Các khu công nghiệp (CĐCKCN) tỉnh Long An tổ...

Xuất khẩu trước áp lực phòng vệ thương mại: Biến...

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng,...

Nhận diện những 'chướng ngại vật' doanh nghiệp cần...

Mối lo nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi, khó tiếp cận tín...

2024: Năm của vàng và những diễn biến chưa từng có

Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng thế giới...

Động lực nào sẽ giúp Việt Nam là 'ngôi sao' tăng...

Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, đón nhận dòng...

Bản Tin VPPA tháng 10/2024

VPPA-BẢN TIN THÁNG là thông tin tổng hợp hàng tháng về thị...

HỘI NGHỊ TOÀN THỂ HỘI VIÊN CHI HỘI II – LẦN 2 NĂM...

Ngày 10/12/2024 tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, Quận 1, TPHCM, Chi...

TS Võ Trí Thành: Doanh nghiệp muốn “xanh” phải “vừa...

TS Võ Trí Thành vừa có những chia sẻ về câu chuyện doanh...

Mức đóng BHYT sẽ thay đổi từ 7/2025, người dân cần...

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) 2024 sẽ...

Doanh nghiệp khổ sở vì hồ sơ hoàn thuế VAT ‘ngâm’...

Mặc dù đã hoàn tất thanh tra, kiểm tra hoàn thuế Giá trị gia...