Một loạt các chính sách mới từ thị trường nhập khẩu đặt ra nhiều thách thức cho cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, trong đó dệt may, nội thất và gia dụng là những ngành hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Doanh nghiệp thích ứng với xu thế mới. Ảnh: NT
Áp lực lên ba ngành hàng thế mạnh
Năm 2022, hai ngành dệt may và da giày chứng kiến đà tăng trưởng xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, dệt may đạt 37,5 tỷ USD, tăng 14,3%; da giày đạt 23,9 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sản phẩm gỗ vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nội thất và đồ gia dụng cũng đạt 10,9 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2021.
Tại hội thảo “Đưa hàng thời trang, nội thất và gia dụng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài” giữa tháng 9, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, nhóm các mặt hàng thời trang, nội thất và đồ gia dụng của Việt Nam hiện vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật, khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường, nhất là các ưu đãi thuế quan từ 15 FTA song phương và khu vực hiện có với nhiều đối tác trên thế giới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA….
“Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới về nhóm ngành hàng này, trong đó Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 2 về da giày, thứ 3 về dệt may và thứ 5 thế giới về gỗ và sản phẩm từ gỗ”, ông Tạ Hoàng Linh cho biết.
Tuy vậy, sau thời kỳ phục hồi mạnh mẽ hậu Covid-19, nhóm ngành hàng thời trang và đồ gia dụng của Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong xuất khẩu ra thế giới, chủ yếu do tình hình lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế, sức tiêu dùng suy giảm, đặc biệt với nhóm vật dụng không thiết yếu cùng lượng tồn kho khá lớn sau thời kỳ nhập hàng để phòng ngừa đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng thời trang bao gồm dệt may và da giày, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm chứng kiến đà sụt giảm tương đối mạnh. Thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của dệt may và da giày Việt Nam là Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu lần lượt giảm 22,7% và 32% so với cùng kỳ.
Thị trường EU cũng chứng kiến đà giảm tốc xuất khẩu tương tự, khi kim ngạch xuất khẩu da giày giảm 19%, còn dệt may có tín hiệu tích cực hơn khi tăng trưởng 12,3%. Xuất khẩu ngành hàng gỗ và đồ gỗ sang Hoa Kỳ và EU đối mặt với tình trạng thậm chí còn ảm đạm hơn, lần lượt giảm 27% và 40% trong 8 tháng đầu năm 2023.
Cùng với đó, thời gian qua, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của nhóm ngành thời trang, đồ gia dụng của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, các nước Đông Bắc Á hay các nước CPTPP ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi khắt khe hơn từ thị trường, liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn… đặt ra nhiều những thách thức chưa từng có tiền lệ cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Ông Tạ Hoàng Linh cũng cho biết, mới đây nhất, thị trường EU đã đưa ra chính sách sử dụng sản phẩm tái chế đối với sản phẩm dệt may và tăng tốc thực thi chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững đề ra từ năm 2022 khiến doanh nghiệp Việt Nam đứng trước sức ép buộc phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để giữ đơn hàng và thị phần.
Giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa.
Cuối tháng 6, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021.
Là doanh nghiệp tư nhân đồ gỗ nội thất lớn trên thế giới, ông Giafar Safaverdi, Giám đốc Khu vực cung ứng Đông Nam Á, Tập đoàn IKEA nhấn mạnh, Việt Nam là một thị trường cung ứng chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của IKEA. Việt Nam sở hữu năng lực sản xuất ngày càng phát triển, các chính sách tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, cùng với nhiều lợi thế trong lĩnh vực logistics đã khiến Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của IKEA.
Chia sẻ về tiêu chí nguồn hàng nhập khẩu, ông Giafar Safaverdi nhấn mạnh, Việt Nam là một thị trường cung ứng gỗ quan trọng cho các nhà cung cấp của IKEA. Trong nhiều thập kỷ, IKEA đã làm việc cùng các đối tác khác nhau ở Việt Nam để cải thiện công tác quản lý rừng bền vững. “Bất kể nhà cung cấp của IKEA thu mua gỗ từ đâu, để giảm thiểu rủi ro gỗ không đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng, bao gồm cả yêu cầu về pháp lý, chúng tôi yêu cầu các đối tác chỉ cung cấp và sử dụng nguyên liệu từ gỗ được FSC chứng nhận”, ông Giafar Safaverdi nhấn mạnh.
Cơ hội dành cho người đi đầu
Theo ông Tạ Hoàng Linh, để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp lấy lại đà tăng trưởng cho các ngành hàng thế mạnh, việc chuyển đổi xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu và xu hướng này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), EU hiện nay đang là khu vực đi đầu trong việc thực hiện các tiêu chuẩn xanh và bền vững, khu vực quyết tâm nhất và họ đang thực hiện trong thực tế. Nu chúng ta làm được với thị trường EU thì sẽ không lo lắng với tất cả các thị trường khác.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, thị trường sản phẩm xanh bền vững là một thị trường đang rất hứa hẹn, ít cạnh tranh so với thị trường ít xanh hiện đã bão hòa. Do đó, những ai có thể làm được trước và đi trước, bắt kịp được thì thị trường sẽ rộng mở hơn.
Ngọc Linh
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn
Nhìn từ khả năng đứng vững của ngành dệt may khi duy trì...
Sáng 07-5, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Bình Dương (WTC Expo),...
Triển lãm Quốc tế giấy và bao bì Việt Nam là không gian để...
Nhìn từ câu chuyện doanh thu, lợi nhuận “lao dốc” của CTCP...
Sáng 5/5, Quốc hội khóa 15 khai mạc kỳ họp thứ 9, bắt đầu...
Thủ tướng Ishiba Shigeru hội kiến Tổng Bí thư Tô Lâm, khẳng...
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp đang tìm kiếm...
Nguy cơ hàng hóa của các doanh nghiệp nội địa bị “nhấn...
Mục tiêu Việt Nam có thêm 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 thể...
Mối nguy “văng” khỏi thị trường nội địa vẫn đang hiện...