Trong vòng ba tuần đầu của tháng 11 này, có ít nhất ba tin về việc các hãng buôn Nhật Bản mua lại cổ phần hay mua đứt 100% các công ty phân phối thực phẩm Việt Nam. Liệu sự trỗi dậy lần này của các doanh nghiệp Nhật Bản là lặp lại làn sóng các tập đoàn, công ty của Thái Lan mua lại các doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2012 đến nay hay không?
Từ siêu thị đầu tiên ở Hà Nội vào cuối tháng 12-2019, đến nay BRG Retail của Việt Nam và Sumitomo của Nhật Bản đã mở thêm bốn siêu thị ở thành phố này.
Các công ty Nhật Bản và Thái Lan đang hết sức nổi bật trên thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) của Việt Nam. Nhưng sân chơi đầy sôi động này còn có Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Philippines và nhiều tập đoàn đa quốc gia khác.
Thời đã đến với các doanh nghiệp Nhật Bản
Công ty thương mại Sojitz của Nhật Bản sẽ mua lại Đại Tân Việt (New Viet Dairy), nhà phân phối thực phẩm bán buôn lớn nhất Việt Nam. Sojitz và Đại Tân Việt không tiết lộ về giá bán. Nhưng Sojitz dự định sẽ biến Đại Tân Việt thành hãng con do Sojitz sở hữu 100% vốn.
Do doanh nhân người Pháp Didier Lachize Albert và vợ là bà Lê Thị Vân thành lập năm 1997, Đại Tân Việt hiện là nhà nhập khẩu, phân phối nguyên liệu sữa, các sản phẩm từ sữa lớn nhất Việt Nam với các nhãn hiệu Heinz, Paysan Breton, Tatua, Even, Fromagio, Daisy… Đại Tân Việt đạt doanh thu 320 triệu đô la vào năm ngoái. Công ty bán 2.000 sản phẩm thực phẩm đến 6.000 sản phẩm tầm trung cho các khách sạn và nhà hàng cao cấp. Trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2023 (VNR2023), Đại Tân Việt đứng thứ 97.
Tại Việt Nam, Sojitz đã hợp tác với Vinamilk để xây dựng tổ hợp trang trại chăn nuôi bò và chế biến thịt bò theo phong cách Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư lên tới 500 triệu đô la. Sojitz cũng giúp đầu tư mở chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop tại Việt Nam.
Thông qua các hoạt động này, Sojitz đã thâm nhập vào ngành phân phối thực phẩm thượng nguồn và hạ nguồn của Việt Nam. Tuy vậy, Giám đốc tài chính Makoto Shibuya của Sojitz nói với Nikkei Asia: “Mục tiêu của công ty là các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ đạt mức hòa vốn trong năm tài chính hiện tại, kết thúc vào tháng 3-2024”.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khác đang đẩy mạnh tốc độ thâm nhập vào chuỗi phân phối thực phẩm của Việt Nam.
Đầu tháng 11-2023, công ty thương mại Marubeni của Nhật Bản mua lại cổ phần thiểu số có tỷ lệ quan trọng của AIG Asia Components, nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam. AIG được cho là đã bán hơn 1.500 sản phẩm thực phẩm cho hơn 1.200 khách hàng doanh nghiệp. Marubeni cũng là cổ đông của Acecook Việt Nam, hãng con của nhà sản xuất mì ăn liền Acecook Japan.
Cùng lúc với thương vụ Marubeni mua AIG, một nguồn tin nói với Kinh tế Sài Gòn rằng một tập đoàn thương mại Nhật Bản đang thảo luận mua đứt 100% một chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm cấp cao của Việt Nam do một cặp chồng Pháp vợ Việt làm chủ, giá của thương vụ không được công khai này là 200 triệu đô la.
Các dây chuyền lạnh để bảo vệ thực phẩm tươi sống không mau hỏng cũng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Công ty Tân Bảo An Logistics tại quận 7, TPHCM đang hợp tác với hãng kinh doanh thực phẩm đông lạnh Nhật Bản Nichirei của Nhật Bản để xây dựng kho lạnh tại Long An vào tháng 5-2025. Công ty Yokorei của Nhật Bản hồi tháng 3 vừa rồi đã làm lễ động thổ dự án 52 triệu đô la nhằm xây dựng kho lạnh hơn 45.000 mét vuông tại khu công nghiệp Phú An Thạnh thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Trong lĩnh vực siêu thị, với bốn siêu thị hiện có tại Hà Nội, tập đoàn tư nhân về thương mại và dịch vụ BRG Việt Nam đang hợp tác với công ty thương mại Nhật Bản Sumitomo Corp tập trung mở rộng chuỗi siêu thị FujiMart tại thủ đô. Aeon, nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, đã định vị Việt Nam là thị trường nước ngoài quan trọng nhất. Aeon có kế hoạch mở trung tâm mua sắm Aeon Mall đầu tiên của miền Trung Việt Nam tại Huế vào đầu năm tới, bên cạnh sáu trung tâm đã mở ở TPHCM, Hà Nội (hai trung tâm mỗi thành phố), Bình Dương và Hải Phòng (một trung tâm mỗi nơi).
Nhận ra tiềm năng khổng lồ của thị trường Việt Nam
Nền kinh tế phát triển nhanh, nhưng quá trình hiện đại hóa mạng lưới phân phối thực phẩm tại Việt Nam đang bị chậm bước. Thương mại hiện đại giờ là một từ khóa chuyên môn để chỉ các doanh nghiệp có chính sách kiểm soát nhiệt độ và quản lý vệ sinh chặt chẽ. Ở các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản và Hàn Quốc, thương mại hiện đại chiếm 80-90% thị trường. Ở các nước Đông Nam Á, thương mại hiện đại chiếm 50% ở Thái Lan và khoảng 30% ở Indonesia. Thương mại hiện đại được xem là chỉ chiếm khoảng 10% tại Việt Nam, tỷ lệ còn thấp hơn nữa ở các tỉnh thành miền Trung và Bắc. Việc mua sắm ở các chợ truyền thống hay chợ “chồm hổm” vẫn phổ biến ở các tỉnh thành Việt Nam, đặc biệt là các chợ xung quanh khu công nghiệp bán đủ mọi thứ, thực phẩm tươi sống.
Mạng lưới phân phối thực phẩm hiện đại hóa sẽ tạo thêm không gian cho các chuỗi bán lẻ phát triển. Việt Nam dự kiến sẽ dỡ bỏ một số hạn chế về việc mở cửa hàng vào năm tới vốn đã cản trở việc mở rộng của các chuỗi cửa hàng nước ngoài, có khả năng tạo ra làn gió chính sách thuận lợi cho thương mại hiện đại.
Trong buổi tiếp kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm Việt Nam trung tuần tháng 11 vừa qua, Chủ tịch kiêm CEO Masumi Kakinoki của Tập đoàn Marubeni nói: “Việt Nam là một thị trường lớn ở châu Á”. Các hãng buôn Nhật Bản nhận định thị trường thực phẩm chế biến của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 8% mỗi năm.
Dân số Việt Nam ước tính vượt 100 triệu người trong năm nay, đông dân thứ ba ở ASEAN sau Indonesia và Philippines. Trong khi đó, GDP tính theo đầu người của Việt Nam đã vượt con số 4.000 đô la vào năm ngoái. Năm 2022, thị trường bán lẻ đạt tổng trị giá 4,2 triệu tỉ đồng (174 tỉ đô la theo tỷ giá hiện tại), tăng trưởng hơn 10% mỗi năm trong thập niên qua.
Sân chơi cho tất cả
Như vậy, câu hỏi tại sao người Thái hay người Nhật chiếm ưu thế trong thị trường M&A tại Việt Nam có lẽ nên đổi thành “Tại sao doanh nghiệp Việt Nam phải bán mình ở những mảng ngon ăn như bán lẻ hay phân phối thực phẩm?”. Đó là câu hỏi lớn không dễ trả lời bởi có người bán thì mới có kẻ mua.
Một chuyên gia M&A đã đặt vấn đề với Kinh tế Sài Gòn rằng: “Tại sao chúng ta lại để cho các vụ bán chi phối và mua chi phối (trên 50%) hoặc mua bán đứt đoạn như vậy trong lĩnh vực bán lẻ rất quan trọng?”. Còn bà Lê Bình Vandekerckove từ hãng ASART chuyên tư vấn các thương vụ M&A nói rằng: “Những gì xuất hiện trên truyền thông chỉ là những con số đã công bố, vẫn còn những thương vụ không công bố công khai”.
Nhưng trong dòng tin tức “không vui” doanh nghiệp Việt không thể chống chọi làn sóng thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài, vẫn có điểm sáng. Cuối tháng 10-2023, Công ty Đạm Cà Mau loan báo mua lại 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt từ chủ sở hữu là hai công ty Hàn Quốc.
Trở lại với các thương vụ M&A và đầu tư vào mảng phân phối thực phẩm Việt Nam. Tập đoàn chuyên quản lý chợ Semmaris của Pháp đang mong chờ chính quyền thành phố Hà Nội sớm phê chuẩn kế hoạch xây dựng chợ bán buôn nông sản quốc tế rộng khoảng 100 héc ta ở huyện Gia Lâm. Dự án nghiên cứu tiền khả thi khu chợ này được thực hiện từ tháng 4-2019. Chợ sẽ được chia thành năm khu, mỗi khu phục vụ một loại sản phẩm như rau, thịt hoặc hải sản. Chợ đầu mối do tập đoàn Pháp đầu tư tạo sự khác biệt so với các chợ bán buôn khác ở chỗ, ban quản lý sẽ cung cấp các thiết bị làm lạnh và thiết bị hiện đại khác.
Trước đó, từ năm 2017, TPHCM đã mời Semmaris cùng Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) tham gia cải tạo chợ đầu mối Bình Điền. Nhưng dự án này từ đó đến nay vẫn chưa được “rã đông”.
Golden Resources Development International có trụ sở tại Hồng Kông đang vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K tại Việt Nam. Nikkei Asia nói Công ty Hồng Kông có kế hoạch mở rộng mạng lưới khoảng 20% lên 500 địa điểm vào cuối năm 2024. Trong khi đó, sau khi vay được 20 triệu đô la từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC), GS Retail của Hàn Quốc và Sơn Kim Retail thuộc Sơn Kim Group của Việt Nam dự định sẽ tăng tốc mở mới mạng lưới 200 cửa hàng GS25 hiện tại. Với 138 cửa hàng hiện tại vào cuối tháng 3-2023, chuỗi Ministop của Nhật Bản đặt mục tiêu lên 500 cửa hàng vào năm tài chính 2025.
Hồ Nguyên Thảo
Nguồn: https://thesaigontimes.vn
Phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo...
Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam ký Thỏa thuận Hợp tác Chiến...
PNO - Vừa qua, Mondelez Kinh Đô đã ký kết hợp tác chiến lược...
Vừa qua, Công ty Mondelez Kinh Đô, Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến và...
Tại Hội thảo Kỹ thuật ngành Công nghiệp Giấy do Hiệp hội...
Truyền cảm hứng Đam mê và Đổi mới trong ngành công nghiệp...
Theo chia sẻ của Chủ tịch Vietnam Airlines, nếu tỷ giá biến...
Thông tin từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), từ ngày...
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây ghi nhận không còn hộ nghèo,...