Tin Tổng Hợp


Hiểu đúng, áp dụng hiệu quả chuyển đổi số là bài toán “nóng” và khó với mọi doanh nghiệp ở mọi quy mô, ngành nghề. Vậy đâu sẽ là lời giải chính xác nhất cho bài toán này? Cùng tìm hiểu thông tin qua chia sẻ của ông Lê Hùng Cường – Giám đốc Chuyển đổi số FPT Digital.

Tác động tiêu cực của Covid-19 đến doanh nghiệp trong suốt hơn 2 năm qua đã được phản ánh qua nhiều báo cáo, con số thống kê. Còn ông, ông đánh giá như thế nào về những tác động của dịch bệnh tới quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp?

Trải qua hơn hai năm đại dịch, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) bị đẩy vào thế đối mặt với nhiều nhóm khủng hoảng nghiêm trọng xảy ra đồng thời. Từ mất cân bằng cung – cầu toàn diện, suy giảm thanh khoản nghiêm trọng, đứt gãy chuỗi cung cứng đến biến đổi về môi trường làm việc, chi phí đầu tư thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ, thay đổi tập quán kinh doanh và đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực (chuyên gia nội bộ).

Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác, với những chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi số của Chính Phủ; chi phí về internet, viễn thông rẻ, nhiều giải pháp công nghệ có sẵn trên thị trường, phù hợp với đặc điểm kinh doanh của SMEs; việc tái định hình chiến lược kinh doanh, chi phí, đây lại là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, bứt phá vươn lên.

Nhưng để thành công thì không chỉ cần có “thiên thời”. Vậy theo quan điểm của ông, để thực thi Chuyển đổi số hiệu quả, các SMEs cần có một lộ trình như thế nào?

Điểm quan trọng nhất trong việc thực thi Chuyển đổi số là tính phù hợp. Mỗi doanh nghiệp có quy mô, nền tảng tài chính, hoạt động kinh doanh, con người và quản trị, vận hành khác nhau nên cần có những chương trình Chuyển đổi số riêng và phù hợp.

Tuy nhiên, có 4 nguyên tắc cốt lõi các doanh nghiệp cần tuân thủ để triển khai chuyển đổi số đạt kết quả tốt nhất.

Một là “Nghĩ lớn – Khởi động thông minh – Nhân rộng thần tốc. Điều này có nghĩa là, trước khi xây dựng chiến lược chuyển đổi số doanh nghiệp cần có mục tiêu dài hạn nhưng khi thực thi có thể bắt đầu bằng các sáng kiến số có khả năng thực hiện nhanh, mang lại hiệu quả ngay và có thể mở rộng triển khai ngay lập tức trong mọi hoạt động, ở tất cả các phòng/ban của doanh nghiệp.

Hai là đầu tư ngân sách. Doanh nghiệp cần dành ngân sách cho Chuyển đổi số như một khoản đầu tư dài hạn. SMEs tuy không có ngân sách lớn nhưng cần xác định và ưu tiên việc đầu tư này.

Ba là ưu tiên hành động. Với ngân sách hạn chế, các doanh nghiệp SMEs cần suy nghĩ ưu tiên hành động nhanh chóng, đặc biệt là những hành động có thể thực hiện ngay lập tức để có thể đạt được hiệu quả tức thì. Một số phương án mà doanh nghiệp có thể thực thi ngay để bắt đầu quá trình chuyển đổi số như tìm kiếm các giải pháp số phù hợp, ưu tiên các giải pháp và hạ tầng điện toán đám mây có sẵn hoặc thuê.

Bốn là đào tạo. Cần đào tạo tư duy thay đổi và thói quen vận hành của nhân viên, hướng đến văn hóa hợp tác với công nghệ thường xuyên ở công ty.

Đó là những nguyên tắc “gối đầu giường” trong chiến lược chuyển đổi số nhưng để tăng tốc quá trình chuyển đổi số và tiết kiệm chi phí cũng như đạt được những hiệu quả cao nhất, theo ông doanh nghiệp cần lưu ý gì trong quá trình thực thi chiến lược?

Chuyển đổi số là cả một quá trình và cần tác động tới nhiều “ngõ ngách” khác nhau của một doanh nghiệp. Do đó, để đạt được hiệu quả cao nhất, có 03 vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu tâm.

Thứ nhất, SMEs cần có kế hoạch chuyển đổi số phù hợp và quyết tâm thực thi cao độ của lãnh đạo. Doanh nghiệp nên đưa ra một lộ trình chuyển đổi số phù hợp hướng tới các mục tiêu kinh doanh, vận hành hiệu quả.

Thứ hai, doanh nghiệp nên hợp tác với đối tác công nghệ và sử dụng những giải pháp triển khai nhanh chóng. Doanh nghiệp SMEs có thể cân nhắc lựa chọn các bộ giải pháp sẵn có trên thị trường, giải pháp nhẹ, linh hoạt, môi trường điện toán đám mây phù hợp với quy mô hoạt động, trình độ vận hành của nhân viên. Những giải pháp này hướng tới tính linh hoạt triển khai nhanh và tính đơn giản đặc thù của SMEs.

Thứ ba, các doanh nghiệp phải phổ biến văn hóa số trong công ty từ cấp lãnh đạo đến nhân viên, trong đó lãnh đạo cần làm tấm gương tiên phong cho việc chuyển đổi.

Có chiến lược và hành động cụ thể nhưng có không ít doanh nghiệp vẫn chưa thể đạt được những kết quả như kỳ vọng. Theo ông, đâu là những sai lầm mà SMEs cần tránh để đảm bảo hiệu quả Chuyển đổi số?

Sai lầm đầu tiên khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào “bẫy chuyển đổi số” là triển khai rời rạc các ứng dụng/giải pháp, nghĩa là chỉ tập trung vào phần “số hóa” mà không chú trọng đến phần “chuyển đổi” tổng thể và toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp.

Tiếp đến là không đặt ra mục tiêu ngắn hạn trong tháng hoặc quý để có thể đo, đánh giá ngay được các kết quả/hiệu quả mang lại tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số cho chính doanh nghiệp.

Cuối cùng là xác định chiến lược và lộ trình không chính xác. Việc này khiến không những tiêu tốn ngân sách của doanh nghiệp mà gia tăng những nghi ngờ về hiệu quả, giảm sự quyết tâm của nhân sự các cấp dẫn tới sự đứt gãy của chương trình Chuyển đổi số.

Vậy, trong quá trình tư vấn chiến lược chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ một vài câu chuyện thành công của doanh nghiệp?

Có khá nhiều câu chuyện thú vị trong quá trình chúng tôi tư vấn chiến lược, lộ trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.

Tôi chia sẻ câu chuyện của một doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì giấy với thị trường tiêu thụ ở các thị trường Đông Nam Á, Nhật Bản, Đức và Hoa Kỳ. Vấn đề họ gặp phải khi bắt tay triển khai chuyển đổi số là thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh, khả năng thích ứng với công nghệ của nhân sự không đồng đều.

Để giải quyết các vấn đề của mình, công ty đã chọn cách triển khai các sáng kiến số ở quy mô nhỏ. Cụ thể là công ty đã “khởi động” thông minh bằng cách tạo ra những “nhóm tiên phong” ứng dụng số hóa quy trình hoạt động và bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như giao nhận việc, phê duyệt giấy tờ/hồ sơ. Và ngay sau khi ghi nhận được những kết quả tích cực, họ bắt đầu nhân rộng mô hình ở cấp phòng, ban.

Cùng với việc triển khai các sáng kiến số, công ty cũng quyết tâm đầu tư ngân sách, tạo điều kiện để mọi nhân viên, mọi bộ phận/phòng ban tiếp cận và sử dụng các ứng dụng/giải pháp giúp tối ưu hoá quy trình làm việc, năng suất lao động.

Kết quả là, lãnh đạo nắm bắt tình hình công việc dễ dàng, thông tin trao đổi giữa các phòng ban, bộ phận luôn được đảm bảo diễn ra xuyên suốt, không bị gián đoạn, nhất là khi có biến động về nhân sự. Bên cạnh đó, các cấp quản lý cũng thuận tiện hơn trong việc quản lý đơn hàng, trạng thái sản xuất, từ đó dành được nhiều thời gian hơn cho việc lên quản trị, nâng cao năng suất doanh nghiệp.

Có thể nói, yếu tố dẫn đến sự thành công này trước tiên phải kể đến việc doanh nghiệp đã xây dựng được một kế hoạch chuyển đổi số rất rõ ràng cùng với sự quyết tâm của các lãnh đạo để triển khai toàn diện, nhạy bén trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ để thấy được hiệu quả nhanh chóng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng áp dụng nguyên tắc xây dựng một văn hoá số cho doanh nghiệp, thay đổi tư duy ở các cấp bộ phận khác nhau, trong đó từ lãnh đạo trở thành tấm gương tiên phong trong quá trình chuyển đổi số.

 

Xin cám ơn Ông về những chia sẻ ngày hôm nay!

Nguồn: https://fpt.com.vn

Bài viết liên quan

Đối thoại chính sách: Kinh tế xanh và trách nhiệm của doanh nghiệp

Phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo...

Tỷ giá biến động 1%, doanh nghiệp mất thêm hàng trăm tỷ đồng

Theo chia sẻ của Chủ tịch Vietnam Airlines, nếu tỷ giá biến...

Loạt “đại bàng” Mỹ tới Việt Nam

Thông tin từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), từ ngày...

Danh mục sản phẩm

Bài viết gần đây

Thị trường bao bì Việt Nam trị giá hơn 4 tỷ USD...

VPPA-Các nhà cung cấp sản phẩm tương tự của Thái Lan làm bao...

Đối thoại chính sách: Kinh tế xanh và trách nhiệm của...

Phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo...

Mondelez Kinh Đô tiên phong phát triển bao bì bền...

Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam ký Thỏa thuận Hợp tác Chiến...

Mondelez Kinh Đô ký kết hợp tác chiến lược về phát...

PNO - Vừa qua, Mondelez Kinh Đô đã ký kết hợp tác chiến lược...

Mondelez Kinh Đô tích cực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn...

Vừa qua, Công ty Mondelez Kinh Đô, Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến và...

Bốn kiến nghị của VPPA để “xanh hóa” ngành Giấy

Tại Hội thảo Kỹ thuật ngành Công nghiệp Giấy do Hiệp hội...

Buổi gặp gỡ giữa Lãnh đạo Công Ty TNHH Giấy Đồng...

Truyền cảm hứng Đam mê và Đổi mới trong ngành công nghiệp...

Tỷ giá biến động 1%, doanh nghiệp mất thêm hàng trăm...

Theo chia sẻ của Chủ tịch Vietnam Airlines, nếu tỷ giá biến...

Loạt “đại bàng” Mỹ tới Việt Nam

Thông tin từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), từ ngày...