Tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, kỳ họp thứ 8, quốc hội khoá XV, vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cắt giảm điều kiện kinh doanh tiếp tục được nhiều đại biểu nhấn mạnh, cho thấy tính bức thiết của vấn đề này.
Rào cản vô hình bóp nghẹt khát vọng
Đại biểu Lã Thanh Tân, đoàn ĐBQH TP Hải Phòng phản ánh môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã thông thoáng hơn rất nhiều, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn than phiền về những rủi ro, khó khăn gặp phải ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp. Đó là các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn khó thực thi.
"Nhiều rào cản như khó khăn thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, phát sinh chi phí không chính thức,… khiến doanh nghiệp phải trì hoãn, thậm chí huỷ bỏ kế hoạch kinh doanh, gây lãng phí cả về thời gian, nguồn lực và cơ hội". Đại biểu cho biết đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng "doanh nghiệp chậm lớn".
Đẩy mạnh cắt giảm giấy phép, điều kiện kinh doanh, "cởi trói" cho doanh nghiệp. |
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, song môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Nhiều quy định, điều kiện kinh doanh còn chồng chéo, phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kết quả khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (năm 2021, 2022) cho thấy khoảng 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện. Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức trong hoạt động cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện chiếm 61,36%. Những phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh là nguyên nhân khiến khoảng 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
"Doanh nghiệp không cần cái gì cũng hỗ trợ bằng tiền. Họ mong muốn thông thoáng về thủ tục hành chính", bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội trao đổi với phóng viên Vnbusiness. Bà cho biết hiện nay doanh nghiệp còn vướng rất nhiều thủ tục, nhất khi thành lập.
"Ban đầu doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở địa điểm A, người ta không cho thuê, phải chuyển đến địa điểm B, lại phải đi thay đổi. Đăng ký kinh doanh mặt hàng A, mặt hàng B thì khi thay đổi, bổ sung thì cũng lại phải đi thay đổi, bổ sung. Hoặc vấn đề về tên người đại diện cũng tương tự", bà Ngân kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét giảm các thủ tục không cần thiết.
Cũng theo bà Ngân, hiện nay còn rất nhiều "giấy phép con" - giấy phép chuyên ngành với các quy định hết sức ngặt nghèo.
"Ví dụ như quy định về an toàn thực phẩm, quy định về phòng chống cháy nổ,… Phòng chống cháy nổ là quan trọng, cần thiết nhưng cần dựa theo tính đặc thù của từng loại sản phẩm, lĩnh vực sản xuất để đưa ra các tiêu chí. Chứ không phải nhất nhất doanh nghiệp nào cũng phải áp dụng giống nhau như hiện nay", đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội kiến nghị.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến hết tháng 3/2024, có 2.866 quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hoá tại 243 văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên kết quả này được đánh giá còn khiêm tốn so với yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, số lượng thủ tục hành chính về cấp phép (từ gia nhập thị trường đến thực hiện một hoạt động cụ thể trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh) còn rất lớn, với 5.183 thủ tục - chiếm 81,6% tổng số thủ tục hành chính của cả nước.
Điều kiện kinh doanh vẫn tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh và ẩn chứa rủi ro với doanh nghiệp. Giữa "vòng vây" các quy định còn tồn tại, mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp được nhận định là thách thức lớn.
Quyết tâm 'cởi trói' cho doanh nghiệp
Theo các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia, nhiều sản phẩm, dịch vụ được áp dụng điều kiện kinh doanh là biện pháp quản lý quá mức cần thiết, không phù hợp. Thay vì đặt ra điều kiện kinh doanh, nên ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp như yêu cầu đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông vào thị trường; nghĩa vụ doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh hay các chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các hành vi vi phạm.
Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Quyết định này tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước.
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, đây chính là đổi mới công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm quản lý nhà nước, vừa khơi thông nguồn lực để phát triển; quyết tâm từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và phòng chống lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật. Quan trọng hơn, điều này cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có thể thực hiện được.
Để chuẩn bị cho giai đoạn 2025 - 2030, Văn phòng Chính phủ đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ phê duyệt Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại bộ, ngành, địa phương giai đoạn này.
Dự thảo Nghị quyết đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: thực hiện cắt giảm giấy phép, đơn giản hoá thủ tục cấp phép dựa trên công nghệ số, dữ liệu số; rà soát, cắt giảm ngành nghề đầu tư, kinh doanh số có điều kiện và điều kiện đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp trong thực hiện thủ tục hành chính; chuyển giao một số hoạt động hoặc thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm và đổi mới việc thực hiện hoạt động cấp phép.
Trong đó, đối với nhiệm vụ rà soát, cắt giảm ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư, kinh doanh, đặt mục tiêu đến năm 2026, sửa đổi hoặc bãi bỏ 100% các điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể. Hàng năm, rà soát, bãi bỏ tối thiểu 5% điều kiện đầu tư, kinh doanh không hợp pháp hoặc không còn phù hợp thực tiễn hoặc can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc có thể thay thế bằng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, bảo đảm đến năm 2030 bãi bỏ tối thiểu 30% điều kiện đầu tư, kinh doanh so với năm 2024. Đến năm 2030, bãi bỏ hoặc thu hẹp phạm vi của các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tối thiểu 20% so với năm 2024.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, dự thảo đã đề ra các mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng, thể hiện tinh thần quyết liệt trong hoạt động cải cách và thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao Nghị quyết và kì vọng những tác động tích cực của Nghị quyết vào môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, góp phần đưa đất nước tiến lên trong kỷ nguyên mới.
Ông Trịnh Xuân An, ĐBQH tỉnh Đồng Nai Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang là "anh cả đỏ", là "sếu đầu đàn" nhưng lại bị vướng rất nhiều về mặt cơ chế, thủ tục. Sắp tới đây tôi mong muốn chúng ta "cởi trói" để những doanh nghiệp nhà nước có một đường ray tốt để đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình cho đất nước sắp tới. Chúng ta muốn vươn mình thì phải có những người khỏe, doanh nghiệp tốt. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Rõ ràng chúng ta có một số chính sách chưa kịp thay đổi theo kịp thời cuộc. Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khá thiệt thòi so với doanh nghiệp FDI. Chúng tôi đang phải chịu rất nhiều áp lực. Cần có chính sách công bằng hơn cho doanh nghiệp trong nước. TS Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và dự báo kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Để phát triển kinh tế 2025, trong ngắn hạn cần tăng cường tháo gỡ các rào cản khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã ban hành trong các năm 2023 - 2024 với tinh thần tăng cường “chọn bỏ” các điều kiện, thủ tục kinh doanh để theo sát, theo đúng tín hiệu, vai trò của thị trường. |
Theo Đỗ Kiều (vnbusiness.vn)
Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng được dự đoán sẽ càng...
Cần quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong tháo gỡ các rào về...
Tạo bước tiến lớn trong thương mại và đầu tư, cam kết một...
Việc áp dụng bảng giá đất mới dẫn tới tăng giá thuê đất...
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.900 đồng/cổ...
Công tác phòng vệ thương mại cần được đặt ra như một "lá...
Sau hơn 3 thập kỷ mở cửa, có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần...
VPPA-Ngày 18/10/2024 Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối...
VPPA-Từ những thực tế phát sinh trong quá trình thực hiện các...
VPPA-Các nhà cung cấp sản phẩm tương tự của Thái Lan làm bao...