Bình Dương vừa được cộng đồng quốc tế vinh danh có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu, mô hình phát triển của tỉnh cũng được nghiên cứu để tổng kết đổi mới đất nước.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (bìa phải) cùng đoàn công tác của Chính phủ khảo sát công trường xây dựng nhà máy hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch), dự kiến bắt đầu sản xuất từ năm 2024 - Ảnh: BÁ SƠN
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, với cách làm năng động sáng tạo, Bình Dương đang nỗ lực tạo ra những đột phá mới.
Mới đây, tại thành phố New York, Mỹ, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã vinh danh Bình Dương là cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu năm 2023. Đây là năm đầu tiên Bình Dương được vinh danh ở vị trí cao nhất của cộng đồng này. Trước đó, Bình Dương đã ba năm liên tiếp có tên trong danh sách "Top7" của ICF.
Ông Lou Zacharilla - đồng sáng lập ICF - cho biết để được vinh danh, Bình Dương đã vượt qua những tiêu chí khắt khe về chiến lược xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, tỉnh đã hợp tác với nhiều đô thị lớn, phát triển trên thế giới, tiêu biểu như thành phố Eindhoven (Hà Lan) để thúc đẩy mô hình "ba nhà" gồm Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp.
Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới là diễn đàn gồm hơn 200 đô thị thông minh, thịnh vượng trên thế giới. Sáu thành phố khác cùng có tên trong danh sách "Top7" năm nay với Bình Dương gồm các thành phố tại Mỹ, Canada, Australia và Brazil.
Việc Bình Dương được cộng đồng quốc tế vinh danh là một minh chứng tiêu biểu cho thấy tỉnh tiếp tục nhận được sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ đầu năm đến giữa tháng 10-2023, Bình Dương thu hút được hơn 1,3 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có hàng trăm dự án đầu tư mới và tăng vốn. Đầu tư trong nước cũng phát triển với gần 5.400 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký là hơn 71.000 tỉ đồng…
Quốc lộ 13 đang được Bình Dương mở rộng lên 8 làn xe để kết nối với TP.HCM, ngoài ra sẽ tiếp tục làm thêm các tuyến cao tốc kết nối khu vực Đông Nam Bộ - ẢNH: BÁ SƠN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Lợi - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - cho biết bên cạnh niềm vui với những thành tích đạt được, Bình Dương vẫn đang nỗ lực để vượt qua những khó khăn thách thức mới, vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" để có những đột phá mới.
Vừa qua, Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020 – 2025), cho thấy nhiều tín hiệu vui khi có tới 25/31 chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Về kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách của Bình Dương hàng năm đều đạt và vượt dự toán đề ra, là một trong những địa phương có tỉ lệ đóng góp điều tiết về ngân sách trung ương cao nhất. Bình quân giai đoạn 2020-2023, thu ngân sách Bình Dương đạt 65.000 tỉ đồng/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 6,1% năm.
Với sự đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp, nguồn lực đầu tư của xã hội tại Bình Dương rất đa dạng và phát triển tốt. Trong giai đoạn 2020-2023, toàn tỉnh thu hút đầu tư vốn FDI hơn 9,5 tỉ USD, đầu tư trong nước cũng khá cao. Đặc biệt đã có một số tập đoàn lớn với công nghệ sản xuất tiên tiến xây dựng dự án lớn, quy mô trên 1 tỉ USD… Bình Dương tiếp tục là địa phương xuất siêu, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 5,5%/năm.
Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết thời gian tới Bình Dương sẽ thúc đẩy nhiều kế hoạch lớn để "tăng tốc" sau giai đoạn kinh tế có nhiều khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh… Nhiều giải pháp được đề ra như: đầu tư theo quy hoạch để sớm hình thành "vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc các trục cao tốc kết nối vùng", phát triển các khu công nghiệp thông minh, thu hút đầu tư công nghệ cao…
Nhiều dự án giao thông lớn kết nối vùng Đông Nam Bộ được Bình Dương đẩy nhanh như: đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (sẽ hoàn thành năm 2023), mở rộng quốc lộ 13 lên 8 làn xe để kết nối với TP.HCM; khởi công cao tốc vành đai 4 TP.HCM qua địa bàn tỉnh, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước), cảng An Tây, đường ven sông Sài Gòn nối Bình Dương - TP.HCM…
Công tác chuyển đổi số gắn với các tiêu chí xây dựng "thành phố thông minh" cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Dần "lấp đầy" thành phố mới Bình Dương theo quy hoạch, hình thành "vùng thông minh Bình Dương".
Vừa qua, các cơ quan trung ương như Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương… đã phối hợp nghiên cứu mô hình phát triển của Bình Dương để tổng kết 40 năm đổi mới đất nước.
Với nhiều cách làm hay, vừa qua Bình Dương đã ký kết với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để hợp tác mở khu công nghiệp, trong đó có mô hình các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) xuất phát từ Bình Dương nay đã được nhân rộng ra cả nước.
BÁ SƠN
Nguồn: https://tuoitre.vn
Lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng, trong bối cảnh chính...
Khả năng tăng giá thành sản phẩm sẽ tiếp tục “đeo bám”...
Kinh tế Việt Nam tăng tốc, vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2024,...
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm,...
Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá...
“Cơ hội ngàn năm để Việt Nam vào nhóm nước phát triển”;...
Sáng 31/12, Công đoàn Các khu công nghiệp (CĐCKCN) tỉnh Long An tổ...
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng,...
Mối lo nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi, khó tiếp cận tín...
Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng thế giới...